Chị nông dân trồng cây không lá 'quý như vàng', nhẹ nhàng kiếm 3 tỷ đồng/năm

Trồng thành công loại thảo dược quý hiếm, nông dân Trần Thị Luôn có thu nhập tiền tỷ mỗi năm đồng thời tạo công ăn việc làm cho rất nhiều hộ dân tại địa phương.

Về ấp Phú Quý (xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang), nói tên nông dân Trần Thị Luôn không ai là không biết. Chị được biết đến là người trồng thành công nấm đông trùng hạ thảo, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều hộ dân tại địa phương.

Thu tiền tỷ nhờ trồng nấm đông trùng hạ thảo

Chị Trần Thị Luôn (sinh năm 1974) từng tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Tp.HCM và có thời gian đi làm kế toán ở thành phố.

Thời điểm học đại học, chị mong muốn ra trường tìm được công việc ưng ý, có thu nhập ổn định và chưa từng nghĩ đến việc về quê làm nông.

"Mình là con nhà nông, đặt mục tiêu đi học ra để đi làm, chứ lại đi về làm nông thì buồn lắm", chị Luôn kể với Dân Việt về suy nghĩ lúc đó.

Thế nhưng cũng không thoát khỏi cái duyên gắn bó với ruộng vườn, năm 2016 chị Luôn bắt tay nghiên cứu trồng nấm đông trùng hạ thảo.

Mặc dù học đại học Nông Lâm Tp.HCM nhưng chuyên ngành của chị là thủy sản, không liên quan đến trồng trọt. Do đó việc chị bén duyên với trồng nấm đông trùng cũng hết sức tình cờ.

"Thông qua tài liệu, tôi biết được lợi ích sức khỏe của nấm đông trùng hạ thảo. Đến năm 2016, tôi đọc được đâu đó thông tin Việt Nam đã trồng thành công nấm đông trùng hạ thảo. Không biết vì sao từ khi biết thông tin này, nó thôi thúc tôi đi tìm hiểu về cách trồng loài nấm này", chị Luôn chia sẻ.

Để trồng thành công loại nấm đắt tiền này, chị đã bỏ nhiều thời gian, công sức để tìm tòi, tham gia các lớp học về nấm, vi sinh, chiết xuất…

Chị Luôn đang thăm các nhà trồng nấm đông trùng hạ thảo. Ảnh: Quang Sung/Dân Việt

Chị Luôn đang thăm các nhà trồng nấm đông trùng hạ thảo. Ảnh: Quang Sung/Dân Việt

Bằng niềm tin và sự đam mê, sau hơn 2 năm miệt mài nghiên cứu, nữ kỹ sư này đã nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo và hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi trồng. Sau đó, chị Luôn cùng chồng là anh Trần Thanh Tâm thành lập Công ty TNHH đông trùng hạ thảo Thiên Ân và đưa vào nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo quy mô lớn tại xã Vĩnh Hựu để xây dựng thương hiệu sản phẩm của riêng mình.

Hiện tại, công ty có 34 phòng nuôi nấm, mỗi ngày có thể cho thu hoạch hàng chục ký nấm tươi.

Tại đây, chị Luôn đầu tư thêm các khu sơ chế, chế biến nấm đông trùng hạ thảo thành nhiều sản phẩm như nấm đông trùng sấy thăng hoa, nước yến nấm đông trùng, cháo nấm đông trùng, nước sốt nấm đông trùng…

Chị Luôn đã nghiên cứu và đưa ra thị trường khoảng 14 sản phẩm liên quan đến nấm đông trùng hạ thảo, trong số đó có 11 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH đông trùng hạ thảo Thiên Ân. Ảnh: Quang Sung/Dân Việt

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH đông trùng hạ thảo Thiên Ân. Ảnh: Quang Sung/Dân Việt

Các sản phẩm đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH đông trùng hạ thảo Thiên Ân cũng đã được Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm Tp.Hồ Chí Minh (Sở Khoa học và Công nghệ Tp.Hồ Chí Minh) chứng nhận đảm bảo các chỉ tiêu về lý hóa, vi sinh. Đặc biệt, trong thành phần quả thể nấm và các dòng sản phẩm chế biến đều có chứa các axít amin thiết yếu cùng 2 hoạt chất quan trọng là Cordycepin và Adenosine rất tốt cho sức khỏe, nhất là tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa và ức chế tế bào ung thư…

Trước khi thành công với mô hình nấm đông trùng hạ thảo, chị Luôn còn sản xuất các loại nhang thảo dược để xuất khẩu. Hiện tại, chị đang vận hành xưởng làm nhang với quy mô lớn, lúc cao điểm có đến hàng trăm công nhân làm việc.

Với sự nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi những cái mới có hiệu quả kinh tế cao để sản xuất, mỗi năm, chị Trần Thị Luôn thu về hơn 3 tỷ đồng.

"Trước đây, khó khăn lớn nhất là tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo. Vì một phần, người tiêu dùng chưa biết đến nấm đông trùng hạ thảo và mặt khác giá hơi cao. Bên cạnh đó, trên thị trường nấm đông trùng hạ thảo thật và giả rất khó phân biệt nên người tiêu dùng ngại mua. Thế nhưng, dù khó khăn tôi vẫn luôn xác định phải làm thật và đúng thì sẽ được người tiêu dùng đặt niềm tin. Kết quả, các sản phẩm chế biến từ nấm đông trùng hạ thảo của tôi đã chinh phục được người tiêu dùng", chị Luôn chia sẻ với báo Ấp Bắc.

Tích cực đóng góp xây dựng quê hương

Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Luôn còn trăn trở làm sao để giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Thời điểm chị mở xưởng nhang đã có hàng trăm lao động làm việc, tuy nhiên chị vẫn thấy chưa đủ; nhiều lao động tại địa phương vẫn chưa có việc làm ổn định.

Đó cũng là lý do chị quyết tâm nghiên cứu, trồng nấm đông trùng hạ thảo để mở công ty - mở ra một lĩnh vực mới để phát triển kinh tế tại địa phương. Hiện tại, công việc làm nấm tại Công ty Thiên Ân có khoảng 50 lao động tham gia làm việc thường xuyên, thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng.

Chị Luôn trồng vườn dược liệu đưa vào sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Ảnh: báo Ấp bắc

Chị Luôn trồng vườn dược liệu đưa vào sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Ảnh: báo Ấp bắc

Hiện nay, chị Luôn đang tiếp tục mở rộng sản xuất sang các lĩnh vực khác. Chị có một vườn thảo dược, chuyên bảo tồn và nghiên cứu các loài thảo dược quý.

Từ khu vườn này, chị Luôn thành lập khu du lịch sinh thái nông nghiệp Vườn dược liệu xanh Thiên Ân theo hướng sức khỏe và chữa lành.

Không chỉ sản xuất giỏi, chị Luôn và công ty của chị luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Đặc biệt là đóng góp xây dựng cầu, đường phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ông Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hựu đánh giá, trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, vai trò đóng góp của chị Luôn và công ty Thiên Ân là rất rõ nét.

"Chị Luôn là cá nhân tiêu biểu, công ty của chị đã tạo công ăn việc làm cho lao động thường xuyên và lao động thời vụ tại địa phương. Công ty của chị đi đầu trong xây dựng sản phẩm OCOP, trong năm 2025 dự kiến sẽ đăng ký sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh", ông Khoa cho biết.

Chị Trần Thị Luôn cho biết, dù rất vất vả trong việc điều hành, quản lý kinh doanh, nghiên cứu sản phẩm nhưng chị vẫn làm bằng cả tâm huyết và trái tim của mình. Bí quyết của chị chỉ đơn giản là những gì làm bằng trái tim thì sẽ được yêu mến bằng cả trái tim. Chị Luôn đặt sản phẩm và dịch vụ lên hàng đầu. "Với tôi, không chỉ sản phẩm tốt, mà dịch vụ cũng phải tốt thì mới giữ chân được khách hàng của mình", chị Luôn chia sẻ.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chi-nong-dan-trong-cay-khong-la-quy-nhu-vang-nhe-nhang-kiem-3-ty-dong-nam-204240920193457543.htm