Chi phí chống dịch Covid-19 làm cạn kiệt tài chính của các thành phố Trung Quốc
Ngay cả khi Trung Quốc báo hiệu nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19, thì nước này cũng phải đối mặt với một thách thức khác: chi phí chống dịch hàng trăm tỉ đô la Mỹ, bao gồm các đợt xét nghiệm hàng loạt, đã khiến ngân sách các chính quyền địa phương cạn kiệt, và có thể buộc họ phải cắt giảm các dịch vụ quan trọng khác.
Áp lực chi phí chống dịch đè nặng lên ngân sách địa phương
Chính sách “zero Covid” đã giúp Trung Quốc thoát khỏi suy thoái vào năm 2020. Nhưng gần ba năm trôi qua, các hóa đơn chống dịch ngày càng chồng chất, gây căng thẳng tài chính nghiêm trọng đối với chính quyền các thành phố trên khắp quốc gia đông dân nhất thế giới này.
George Magnus, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford, cho biết các chiến dịch phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn, khiến rủi ro về ổn định tài chính tăng lên.
Ông nói: “Các chính quyền địa phương đang chịu áp lực rất lớn từ chi phí duy trì tình trạng chính sách “zero Covid”, và chúng ta có thể thấy điều này trong khả năng duy trì nợ ổn định của một số tổ chức và trong các trường hợp dịch vụ công bị thu hẹp quy mô, tài sản hoặc dịch vụ địa phương bị bán…”.
Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc có nguồn thu chủ yếu dựa vào việc bán đất, do vậy họ dễ bị tổn thương hơn so với chính quyền trung ương. Theo dữ liệu từ Bộ tài chính Trung Quốc, họ đã chi nhiều hơn 11,8 nghìn tỉ nhân dân tệ (1,65 nghìn tỉ đô la Mỹ) so với nguồn thu ngân sách trong 10 tháng đầu năm nay. Để có thể chi được như vậy, họ đã vay nợ rất nhiều.
Nợ công phình to đe dọa trực tiếp đến sức khỏe kinh tế của Trung Quốc. Nó không chỉ làm tăng nguy cơ vỡ nợ của các thành phố mà còn hạn chế khả năng của chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng, ổn định việc làm và mở rộng các dịch vụ công.
Trong gần ba năm qua, các chính quyền địa phương đã phải tiêu tốn chi phí khổng lồ cho việc thực thi các biện pháp kiểm soát đại dịch Covi-19. Họ đã phải trả tiền cho các chiến dịch xét nghiệm hàng loạt thường xuyên, các trung tâm cách ly bắt buộc và các dịch vụ khác trong thời gian phong tỏa, dẫn đến chi tiêu tăng vọt ngay cả khi nguồn thu ngân sách bị đình trệ.
Theo các nhà phân tích, các chính quyền địa phương chỉ đóng góp 50% nguồn thu ngân sách của chính phủ, nhưng chiếm hơn 85% tổng chi tiêu của chính phủ.
Hồi đầu tháng này, DBRS Morningstar, cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu có trụ sở tại Toronto (Canada), cho biết mức thâm hụt ngân sách cao của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc là mối lo ngại chính, bao gồm cả cái gọi là “nợ ẩn” từ các công cụ tài chính đặc biệt nhằm tăng cường ngân sách cho các chính quyền khu vực.
Một số khoản nợ này không bao giờ được ghi nhận chính thức trên bảng cân đối kế toán của các chính quyền địa phương.
Theo các nhà phân tích DBRS Morningstar, mức thâm hụt cao hơn và tăng trưởng GDP danh nghĩa thấp hơn dự kiến sẽ dẫn đến nợ chính phủ nói chung của Trung Quốc tăng lên mức 50,6% GDP vào năm 2022, cao hơn đáng kể so với mức 38,1% trong năm 2019.
Đó vẫn sẽ là mức tương đối thấp theo tiêu chuẩn toàn cầu nhưng là mức cao lịch sử đối với Trung Quốc.
Thâm hụt tài khóa lên mức lớn nhất trong lịch sử
Thâm hụt ngân sách lớn của Trung Quốc, bao gồm cả thâm hụt của chính quyền trung ương và địa phương, đã lên đến mức 6,66 nghìn tỉ nhân dân tệ (944 tỉ đô la Mỹ) trong 10 tháng đầu năm, tăng gần gấp ba lần so với một năm trước, theo tính toán của CNN Business dựa trên dữ liệu từ Bộ Tài chính Trung Quốc.
Zhao Wei, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Sinolink Securities, ước tính thâm hụt tài khóa nói chung của Trung Quốc có thể vượt qua 10 nghìn tỉ nhân dân tệ (1,4 nghìn tỉ đô la Mỹ) trong năm 2022, mức lớn nhất trong lịch sử.
Trong những năm trước, chi tiêu của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc được hỗ trợ từ doanh thu bán đất, thường chiếm hơn 40% tổng thu ngân sách của họ.
Nhưng cơn suy sụp của thị trường nhà ở đã cắt giảm nguồn tài trợ đó. Trong 10 tháng đầu năm 2022, doanh số bán đất của họ đã giảm 26% so với một năm trước đó.
Tài chính của chính quyền địa phương cũng đang căng thẳng do các nguồn thu thuế giảm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế yếu và các biện pháp giảm thuế cho các doanh nghiệp.
Trung Quốc đã giảm hơn 3,7 nghìn tỉ nhân dân tệ (524 tỉ đô la Mỹ) tiền thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong năm nay. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% trong ba quý đầu năm.
Đồng thời, chi phí liên quan đến xét nghiệm Covid cũng là con số rất lớn. Dữ liệu chính thức cho thấy chi tiêu chăm sóc sức khỏe liên quan đến Covid-19 tăng 13%, lên 1,75 nghìn tỉ nhân dân tệ (245 tỉ đô la Mỹ) trong 10 tháng đầu năm 2022, mức tăng lớn nhất trong tất cả các chương trình chi tiêu của chính phủ.
Kể từ khi bắt đầu đại dịch đến tháng 4-2022, 11,5 tỉ xét nghiệm đã được tiến hành ở Trung Quốc, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Các nhà phân tích từ Công ty Soochow Securities ước tính có 10,8 tỉ xét nghiệm đã được tiến hành chỉ riêng từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay. Họ dự báo chi phí xét nghiệm Covid-19 có thể lên tới 240 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, nếu nửa tỉ người dân ở các thành phố lớn và vừa của Trung Quốc được xét nghiệm hai ngày một lần. Hồi tháng 5, Bắc Kinh yêu cầu các chính quyền địa phương phải tự chịu chi phí xét nghiệm Covid-19 thường xuyên tại khu vực của họ.
Do ngân sách cạn kiệt, nhiều thành phố trên cả nước, bao gồm cả những thành phố ở các tỉnh Tứ Xuyên và tỉnh Cam Túc, đã yêu cầu người dân tự trả tiền xét nghiệm trong khi vẫn yêu cầu họ xuất trình bằng chứng xét nghiệm Covid âm tính để được vào các địa điểm hoặc phương tiện giao thông công cộng.
Nới lỏng nhưng chưa chấm dứt sớm chính sách “zero Covid”
Việc thiếu tiền đã khiến một số chính quyền địa phương trì hoãn hoặc tạm dừng thanh toán cho các nhà cung cấp dịch vụ xét nghiệm Covid-19.
Trong 9 tháng đầu năm nay, 15 công ty đại chúng cung cấp bộ kit xét nghiệm Covid-19 lớn nhất của Trung Quốc đã báo cáo khoản phải thu hoặc hóa đơn chưa thanh toán có trị giá 44 tỉ nhân dân tệ (6,15 tỉ đô la Mỹ), tăng 71% so với một năm trước.
Một số phòng thí nghiệm thậm chí đã đình chỉ dịch vụ xét nghiệm. Đầu tháng này, một phòng xét nghiệm Covid-19 ở tỉnh miền trung Hà Nam thông báo tạm dừng xét nghiệm vì chính quyền địa phương chưa thanh toán bất kỳ hóa đơn nào kể từ tháng 1-2021.
Bất chấp số ca nhiễm Covid-19 đang tăng vọt, có những dấu hiệu cho thấy một số thành phố đang nới lỏng các hạn chế.
Hôm 30-11, thành phố Quảng Châu thông báo sẽ dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa ở các quận trọng điểm. Cùng ngày, thành phố Trùng Khánh cũng cho phép những người tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19 được phép cách ly tại nhà nếu tuân thủ một số điều kiện nhất định.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan, người chịu trách nhiệm về các vấn đề y tế công cộng, nói rằng Trung Quốc đang bước vào “giai đoạn mới” trong cuộc chiến chống Covid-19.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể còn lâu mới chấm dứt hoàn toàn chính sách “zero Covid”. Theo Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan, tỷ lệ tiêm chủng ở người già và năng lực của bệnh viện cần được cải thiện.
Các chính quyền địa phương đang chịu áp lực lớn trong việc ngăn chặn các đợt bùng phát Covid-19. Nhiều quan chức đã bị kỷ luật hoặc sa thải vì xao nhãng trách nhiệm chống dịch và điều này có thể dẫn đến sự mất kết nối giữa sự thay đổi giọng điệu từ chính quyền trung ương với tình hình thực tế ở các chính quyền địa phương.
Andy Xie, một nhà kinh tế học độc lập, cho biết: “Chính quyền địa phương phải tìm nguồn tiền để duy trì chính sách “zero-Covid”. Họ có thể cắt giảm chi tiêu ở nơi khác. Nếu không họ sẽ bị sa thải”.
Theo CNN