Chi phí quá lớn khiến doanh nghiệp làm nông nghiệp 'nối dài' thua lỗ

Nhìn vào tình hình lợi nhuận thấp, thua lỗ 'nối dài' của những doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong ngành nông nghiệp như Lộc Trời, thủy sản Minh Phú, CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Vinafood 2… sẽ thấy điểm mấu chốt đang nằm ở chi phí quá lớn khiến cho thu không đủ bù chi. Đây là cả bài toán nan giải đòi hỏi các DN trong lĩnh vực này cần có những giải pháp, sách lược phù hợp và đồng bộ hơn để vừa giảm được chi phí vừa cải thiện lợi nhuận và không còn tình cảnh thua lỗ triền miên.

Mới đây, trong giải trình về biến động lợi nhuận của báo cáo tài chính quý 3/2023, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời, cho biết do quý 3/2023 có sự biến động về chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay và khoản lỗ do tỷ giá hối đoái nên lợi nhuận sau thuế của quý 3 giảm hơn 390,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu không đủ bù đắp chi phí

Cần lưu ý, báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 của Lộc Trời (một DN hàng đầu về xuất khẩu gạo) là ở trong giai đoạn sốt giá gạo do hiệu ứng từ việc Ấn Độ ban hành cấm xuất khẩu gạo trắng thường vào gần cuối tháng 7/2023. Tính lũy kế trong 9 tháng 2023, DN này dù có doanh thu thuần hơn 10.440 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, thế nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 17,3 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ năm 2022.

Chi phí quá lớn khiến cho nhiều DN trong lĩnh vực nông nghiệp khó cải thiện lợi nhuận hoặc thua lỗ kéo dài.

Chi phí quá lớn khiến cho nhiều DN trong lĩnh vực nông nghiệp khó cải thiện lợi nhuận hoặc thua lỗ kéo dài.

Xét về tổng chi phí tài chính (gồm chiết khấu thanh toán, chi phí lãi vay, lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái, chi phí tài chính khác) của Lộc Trời tính lũy kế đến 30/9/2023 là hơn 647,3 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (hơn 295,2 tỷ đồng).

Riêng chi phí lãi vay trong quý 3/2023 của DN này lên tới 164 tỷ đồng, vượt lãi gộp của công ty (152 tỷ đồng). Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu trong tình hình biến động tỷ giá cũng mang lại cho công ty khoản lỗ tỷ giá tới 73 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng. Xét về nợ vay (chủ yếu là ngắn hạn) của Lộc Trời, tính tính lũy kế 9 tháng 2023 đã tăng gần gấp đôi, từ mức 3.847 tỷ đồng lên 7.561 tỷ đồng.

Với một trường hợp khác là CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, trong giải trình vào hạ tuần tháng 10/2023 gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE), ông Nguyễn Hoàng Phi, Phó tổng giám đốc công ty cho biết 9 tháng 2023 công ty ghi nhận lỗ 446 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính đến 30/9/2023 là 7.450 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân thua lỗ được công ty này chỉ ra là chi phí giá vốn vườn cây cao su lớn, chủ yếu là chi phí khấu hao (chiếm 60%) dẫn đến doanh thu không bù đắp đủ chi phí.

Còn một DN hàng đầu trong mảng xuất khẩu tôm là CTCP tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC), trong giải trình mới đây, ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc công ty cho biết lợi nhuận quý 3/2023 đạt hơn 23,4 tỷ đồng, chênh lệch rất lớn so với mức lợi nhuận cùng kỳ năm trước là hơn 328 tỷ đồng.

Theo ông Điệp, nguyên nhân của sự chênh lệch này là do doanh thu bán hàng trong kỳ giảm, do kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty nuôi tôm thương phẩm chưa có hiệu quả.

Tính lũy kế 9 tháng 2023 lợi nhuận sau thuế của Minh Phú âm 114 tỷ đồng. Cơ cấu tài sản cho thấy hàng tồn kho và nợ vay đều tăng cao. Riêng quý 3/2023, mặc dù công ty đã cố gắng để tiết giảm các chi phí (như chi phí tài chính, chi phí bán hàng, giảm giá vốn hàng bán) nhưng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ vẫn âm 23 tỷ đồng và là quý lỗ thứ hai của trong năm nay sau sau mức lỗ 98,3 tỷ đồng hồi quý 1/2023.

Cần nhắc thêm, lãnh đạo của Minh Phú từng cho biết việc đội giá thành sản phẩm tôm là vấn đề mà công ty cần phải xử lý. Nhất là giá tôm nuôi ở Việt Nam có thời điểm từ 4,8 - 5 USD/kg, trong khi đó, giá thành tôm nuôi ở Ấn Độ rất thấp chỉ 3,4 - 3,8 USD/kg, tại Ecuador lại còn thấp hơn chỉ 2,2 - 2,4 USD/kg. Điều này khiến cho Việt Nam nói chung và Thủy sản Minh Phú nói riêng không bán hàng ra được.

Nan giải bài toán thoát lỗ

Nêu ra tình hình thua lỗ “nối dài” của một số DN nêu trên để thấy việc giải bài toán giảm chi phí vẫn còn là thách thức quá lớn đối với những DN trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chẳng hạn với Thủy sản Minh Phú dù trong quý 3/2023 họ đã giảm được 38% giá vốn bán hàng, giảm 13% chi phí tài chính, rồi giảm 35% chi phí bán hàng. Tuy nhiên, chi phí quản lý DN lại tăng lên mức 75,7 tỷ đồng, tương ứng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Vừa giảm vừa tăng như vậy đã không giúp cho DN thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ.

Hay như CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) mặc dù hồi năm 2022 đã chuyển đổi đồng tiền hạch toán từ đồng LAK (đồng Kip của Lào) sang đồng USD, do vậy khoản lỗ quý 3/2023 đã giảm mạnh so với quý 2/2022 vì không còn ghi nhận khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá ảnh hưởng từ việc đồng LAK mất giá. Tuy nhiên, ngoài động tác như vậy thì công ty này vẫn còn nhiều việc phải làm để kéo giảm chi phí để không tiếp tục thua lỗ kéo dài.

Nhất là khi mảng nông nghiệp của HNG tiếp tục gặp khó khăn khi doanh thu bán hàng không đủ bù đắp giá vốn, chưa tính đến các chi phí hoạt động khác trong quý 3 vừa qua. Thực ra, công ty này đã bán hàng dưới giá vốn trong suốt hai năm qua (2021 - 2022) dẫn đến những khoản thua lỗ khổng lồ. Tại thời điểm cuối quý 3/2023, HAGL Agrico vay ngắn và dài hạn 7.844 tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm. Trong số này, có tới 70% công ty vay từ các DN, chỉ 30% là vay từ ngân hàng.

Hoặc như các DN xuất khẩu gạo trong cơn sốt giá như hiện nay thì nhiều DN vẫn đang tìm thêm nguồn tài chính để mở rộng đầu tư vụ lúa Thu Đông. Và như thế càng có thể đẩy chi phí lãi vay lên cao bất chấp chính sách nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước.

Không chỉ tăng chi phí lãi vay, các DN ngành hàng lúa gạo còn đối mặt với lỗ chênh lệch tỷ giá, như trường hợp Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) do lãi tiền vay và lỗ chênh lệch tỷ giá đã khiến chi phí tài chính tăng mạnh hơn 250%, lên 166 tỷ đồng trong quý 3/2023.

Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN của Vinafood 2 cũng tăng hai con số. Tất cả các khoản chi phí tăng mạnh như vậy đã bào mòn lợi nhuận của DN này dù giá gạo xuất khẩu có lập đỉnh. Đó là một trong những lý do mà cho đến nay Vinafood 2 vẫn còn lỗ lũy kế gần 2.800 tỷ đồng do hệ quả từ nhiều quý thua lỗ liên tiếp từ cách đây hơn 2 năm.

Suy cho cùng, việc thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ, lợi nhuận thấp là cả bài toán nan giải đang đòi hỏi các DN nội địa trong lĩnh vực nông nghiệp cần nhìn nhận rõ mấu chốt đang nằm ở vấn đề chi phí. Để từ đó họ cần có những giải pháp, sách lược phù hợp và đồng bộ hơn nhằm vừa giảm được chi phí vừa cải thiện lợi nhuận và không còn tình cảnh thua lỗ triền miên.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/chi-phi-qua-lon-khien-doanh-nghiep-lam-nong-nghiep-noi-dai-thua-lo-1096355.html