Chi phí sản xuất tôm: Việt Nam 'bỏ xa' Ecuador, cao gấp 1,5 lần Ấn Độ
Dẫn chứng so sánh về giá thành sản xuất tôm của 3 nước XK tôm hàng đầu thế giới, TS. Trần Hữu Lộc - Đại học Nông lâm TPHCM - cho hay, chi phí sản xuất mỗi kg tôm (50 con/kg) của Ecuador là 2,2 - 2,4 USD; Ấn Độ là 2,7 - 3 USD trong khi Việt Nam là 3,5 - 4,2 USD.
Việt Nam XK tôm đứng thứ 3 thế giới
Tại Hội chợ triển lãm quốc tế ngành tôm Việt Nam với chủ đề “Nâng tầm chuỗi giá trị” do Tổng cục Thủy sản và Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức ngày 12/4 ở Cần Thơ, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, xuất khẩu (XK) tôm năm 2022 đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021, trong đó, tôm chân trắng chiếm hơn 73%, tôm sú chiếm hơn 13% và tôm khác hơn 13%. Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia XK tôm đứng thứ 3 thế giới, sau Ecuador (6,7 tỷ USD) và Ấn Độ (5,5 tỷ USD).
Về thị trường, 5 thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm 77-85% tổng XK tôm Việt Nam, trong đó Mỹ và EU thay nhau dẫn đầu trong 5 năm gần đây. Việt Nam là quốc gia cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Mỹ, tôm Việt Nam đứng thứ 5 (sau Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Canada) và tại Trung Quốc là thứ 4 (sau Ecuador, Ấn Độ, Canada)...
Theo ông Hòe, tôm Việt Nam có thế mạnh là chất lượng ổn định, sản phẩm đa dạng, trình độ chế biến cao, chuỗi giá trị con tôm khá cân bằng, diện tích nuôi lớn… Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam có điểm yếu là nuôi nhỏ lẻ, tự phát; giá thành nuôi, chế biến cao; hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ; chưa có thương hiệu xứng tầm. Trong khi còn đối mặt với các thách thức như lạm phát toàn cầu, phí logostics cao; cạnh tranh mạnh từ tôm Ecuador, Ấn Độ; thuế chống bán phá giá, rào cản thị trường như hạn ngạch của thị trường Hàn Quốc…
Dự báo một số thị trường hàng đầu, đại diện VASEP cho biết, tại Mỹ, lạm phát cao, nhập khẩu phụ thuộc nhiều vào lượng hàng tồn kho của năm 2022. XK tôm sang EU cũng không được đánh giá tích cực trong năm 2023 do tác động chiến tranh Nga - Ukraine.
“Với tình hình trên, XK tôm năm 2023 rất khó để dự đoán được tổng kim ngạch XK sẽ là bao nhiêu, tăng hơn so với năm 2021 và 2022 hay không. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào tình hình thị trường, khả năng phục hồi kinh tế của các quốc gia. Chỉ có thể dự báo rằng nhu cầu có thể sẽ phục hồi từ quý II, quý III trong xu hướng giá thấp hơn năm 2022” - Tổng Thư ký VASEP nhận định.
Giá thành sản xuất cao
Dẫn chứng so sánh về giá thành sản xuất tôm của 3 nước XK tôm hàng đầu thế giới, TS Trần Hữu Lộc (Đại học Nông lâm TPHCM) cho hay, Ecuador nuôi tôm có mật độ thả giống 12 - 17 con/m2; Ấn Độ là 30 - 50 con/m2; trong khi Việt Nam thả nuôi mật độ 120 - 500 con/m2.
Chi phí sản xuất mỗi kg tôm (50 con/kg) của Ecuador là 2,2 - 2,4 USD; Ấn Độ là 2,7 - 3 USD trong khi Việt Nam là 3,5 - 4,2 USD.
Theo ông Lộc, một trong những nguyên nhân khiến cho phí sản xuất cao là thiết kế ao nuôi, trang trại phức tạp, gia tăng chi phí khấu hao. Do vậy, để góp phần giảm giá thành, cần thiết kế trang trại đơn giản hơn, rút ngắn chuỗi cung ứng, giảm mật độ thả giống và có chương trình quản lý rủi ro, bệnh tật tốt hơn…
Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung - Vụ Khoa học, công nghệ & Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dù XK đứng top đầu thế giới, ngành tôm Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức ở cả đầu vào và đầu ra liên quan đến nguồn cung nguyên liệu như chất lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát vùng nuôi, tỷ lệ diện tích và sản lượng nuôi theo tiêu chuẩn chứng nhận GAP, hữu cơ… còn thấp.
Đặc biệt, giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao dẫn đến sản phẩm kém cạnh tranh, trong khi phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt với tôm Ecuador và Ấn Độ trên thị trường thương mại toàn cầu. Chuỗi giá trị tôm Việt chưa thật sự đạt được hiệu quả tối ưu. Điều này được thể hiện rõ nét khi 3 tháng đầu năm 2023 XK tôm đạt gần 577 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ.
“Năm 2023, dù được dự báo vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngành tôm cả nước vẫn đặt mục tiêu duy trì sản lượng và kim ngạch XK. Để vượt qua thách thức và đạt mục tiêu đề ra, cần có sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị tôm nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho con tôm Việt” - đại diện Tổng cục Thủy sản phát biểu.