Chi phí sửa chữa cầu Ghềnh bị đâm sập tốn khoảng 300 tỉ đồng
Sau sự cố cầu Ghềnh bị đâm sập, ngành đường sắt vẫn đang 'đau đầu' tìm phương án xử lý hậu quả. Riêng chi phí sửa chữa cầu tốn khoảng 300 tỉ đồng.
Clip hiện trường cầu Ghềnh bị sập:
Ngày 22/3, cơ quan chức năng vẫn đang nỗ lực đưa ra phương án khắc phục sự cố cầu Ghềnh bị đâm sập gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông đường sắt, đường thủy và kinh tế.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện Bộ đã có kế hoạch xây cầu mới thay thế cầu Ghềnh do các trụ còn lại của cầu hiện đã hư hỏng. Đến thời điểm này, vẫn chưa thể ước tính được con số thiệt hại của sự cố đối với ngành giao thông nói chung và ngành đường sắt nói riêng.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của Thứ trưởng Bộ GTVT, chi phí xây cầu thay thế cầu Ghềnh cần đến khoảng 250 - 300 tỉ đồng. Bộ GTVT đang cố gắng để hoàn thành cầu này từ nay tới ngày 15/7 tới nhằm thông tuyến đường sắt qua cầu Ghềnh.
Một lãnh đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho hay, thống kê ban đầu cho thấy, con số thiệt hại đối với ngành này là rất “khủng” và khó tính hết được. vị đại này cho biết thêm, riêng chi phí để trung chuyển 5.200 hành khách chỉ trong 2 ngày vừa qua đã lên tới gần 300 triệu đồng.
Bên cạnh đó, còn chi phí lớn cho việc trung chuyển hàng trăm tấn hàng hóa đang ùn ứ tại các ga. Ngoài ra, tổng công ty còn phải đầu tư các bến bãi để trung chuyển và thương thảo với các đối tác chở hàng hóa về các phương án tháo gỡ.
Lãnh đạo ngành đường sắt cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ mất khách khi một lượng không nhỏ khách hàng có thể sẽ rời bỏ loại hình vận tải này trong gần 4 tháng chờ xử lý sự cố sắp tới.
Hiện nay, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đang triển khai phương án chuyển tải hành khách từ Ga Biên Hòa vào Ga Sài Gòn và ngược lại. Tính đến sáng 21/3, có 21 đoàn tàu với 5207 hành khách đã được chuyển tải an toàn.
Trong thời gian chờ khắc phục sự cố, ngành đường sắt đã lên phương án tổ chức chạy tàu mới để giảm thiểu ảnh hưởng đến lịch trình chạy tàu khách hiện hành, tránh gây ảnh hưởng đến hành khách.
Cụ thể, Tổng công ty ĐSVN vẫn duy trì tổ chức chạy 2 đôi tàu Hà Nội – Nha Trang (SE1/2, SE7/8); 5 đôi tàu khách Hà Nội - Sài Gòn và ngược lại (TN1/2, SE3/4, SE5/6, SE21/22, SE25/26) có chuyển tải hành khách giữa ga Sóng Thần và ga Biên Hòa; duy trì chạy 3 đôi tàu khách địa phương (Vinh – Sài Gòn, Quy Nhơn – Sài Gòn, Nha Trang – Sài Gòn).
Về vận tải hàng hóa, tổng công ty ĐSVN tiếp tục tổ chức vận chuyển hàng hóa từ các ga phía Bắc vào đến ga Bình Thuận và ngược lại.
Hàng hóa tại khu vực phía Nam được tổ chức xếp dỡ tại các ga Long Khánh, Trảng Bom, Hố Nai.