Chi phí xã hội liên quan đến sản xuất và xử lý nhựa lên đến 3,7 nghìn tỷ USD
Hôm 6-9, AFP đưa tin theo báo cáo của tổ chức từ thiện về động vật hoang dã (WWF), tình trạng ô nhiễm, khí thải phát sinh và chi phí làm sạch của quy trình sản xuất và xử lý đồ nhựa được sản xuất trong năm 2019 có thể lên tới 3,7 nghìn tỷ USD.
Đây là cảnh báo mới về gánh nặng kinh tế và môi trường do loại vật liệu nghe "có vẻ rẻ" này gây ra cho nhân loại.
Ngày càng có nhiều báo động quốc tế về việc đồ nhựa xâm nhập vào môi trường vì các hạt vi nhựa li ti đã xâm nhập vào ngay cả những vùng xa xôi và nguyên sơ nhất trên hành tinh.
Báo cáo của Công ty tư vấn Dalberg với WFF cho biết: “Nhựa dường như là một vật liệu tương đối rẻ khi nhìn vào giá thị trường. Tuy nhiên, mức giá này không tính đến toàn bộ chi phí áp dụng để xử lý trong suốt vòng đời của nhựa”.
Người ta ước tính rằng trừ khi có hành động quốc tế phối hợp, dự kiến sản lượng nhựa tăng gấp đôi có thể khiến chi phí thiệt hại tăng vọt vào năm 2040 lên 7,1 nghìn tỷ USD.
Phân tích đã xem xét các yếu tố bao gồm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất, tác động đến sức khỏe, quản lý chất thải và ước tính về việc suy giảm các "dịch vụ" tạo ra tiền của cho nền kinh tế của các hệ sinh thái trên đất liền và trong nước vì ô nhiễm nhựa.
Kể từ những năm 1950, khoảng 8,3 tỷ tấn nhựa đã được sản xuất với khoảng 60% trong số đó được ném vào các bãi chôn lấp hoặc vào môi trường tự nhiên.
Những mảnh vỡ nhỏ xíu của nhựa (vi nhựa) đã được phát hiện bên trong bụng cá ở vùng sâu nhất của đại dương và vùng băng ở biển Bắc Cực.
Các hạt vi nhựa ước tính đã gây ra cái chết của hơn một triệu con chim biển và hơn 100.000 loài động vật biển có vú mỗi năm.
Ông Marco Lambertini, Tổng giám đốc WWF International, cho biết: “Thật bi thảm, cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa không có dấu hiệu chậm lại, nhưng cam kết giải quyết nó đã đạt đến mức chưa từng có”.