Chi phí xăng dầu thực tế vượt xa định mức

Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, đến ngày 14-11, hoạt động mua bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội đã bình thường trở lại.

Vào giờ cao điểm, chỉ có một số trạm xăng dầu đặt tại các cửa ngõ, huyết mạch lớn còn cảnh xe cộ xếp hàng, nhưng cũng chỉ sau 4-5 phút là người dân được tiếp xong nhiên liệu.

Các cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội đã trở lại bình thường. Ảnh: VIẾT CHUNG

Các cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội đã trở lại bình thường. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tại các trạm xăng nhỏ của Petrolimex nằm trong khu dân cư, hầu như lượng xe cộ tới đổ xăng dầu thưa thớt, diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn lo ngại đến cuối chu kỳ điều hành, tình trạng treo biển tạm ngưng bán hoặc bán nhỏ giọt có thể tái diễn nếu Bộ Công thương không kiểm tra, giám sát chặt thị trường do xu thế giá xăng dầu thế giới đang tăng trở lại.

Bộ Công thương cho biết, trước 10 giờ ngày 15-11 là hạn chót để Bộ Công thương và các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải báo cáo chi tiết về định mức và các chi phí kinh doanh xăng dầu với Bộ Tài chính để từ đó có cơ sở điều chỉnh các khoản chi phí cấu thành giá cơ sở xăng dầu, áp dụng ngay cho kỳ điều hành vào ngày 21-11.

Theo đó, một số doanh nghiệp đầu mối đã có cuộc họp với các thương nhân phân phối và tổng đại lý để thống nhất có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính về tình hình kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Các doanh nghiệp này cho biết, hiện nay chi phí nhập khẩu, đưa xăng dầu về cảng Việt Nam, tạm tính giá bình quân nhập khẩu của quý 4 (gồm premium, cước vận chuyển, bảo hiểm, chi phí giám định) đối với xăng là 4.076 đồng/lít, còn với dầu là 2.147 đồng/lít. Tại kỳ điều hành ngày 11-11 vừa qua, Bộ Tài chính đã đồng ý tăng chi phí này nhưng chỉ mới tăng ở ngưỡng 640 đồng/lít với xăng nền để phối trộn xăng E5 RON92, còn xăng RON95 là 1.280 đồng/lít, dầu diesel 0,05S là 730 đồng/lít, dầu hỏa là 1.740 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3,5S là 1.290 đồng/kg. Như vậy, mức tăng này chưa đúng, chưa đủ với chi phí thực tế khi doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam.

Người dân lo ngại đến cuối chu kỳ điều hành, tình trạng tạm ngưng hoặc bán nhỏ giọt có thể tái diễn. Ảnh: VĂN PHÚC

Người dân lo ngại đến cuối chu kỳ điều hành, tình trạng tạm ngưng hoặc bán nhỏ giọt có thể tái diễn. Ảnh: VĂN PHÚC

Còn về chi phí lưu thông của thương nhân phân phối và các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu từ kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ cho người tiêu dùng, theo các doanh nghiệp phản ánh, đối với xăng là 1.670 đồng/lít, còn với dầu diesel là 1.498 đồng/lít. Như vậy, tính tổng chi phí từ khâu nhập khẩu đến khâu lưu thông thì đối với mặt hàng xăng hiện nay lên tới 5.746 đồng/lít, còn với dầu diesel là 3.645 đồng/lít. Do đó, các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Công thương xem xét cập nhật, tính đúng tính đủ chi phí thực tế cho kỳ điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ vào ngày 21-11 tới.

Đồng thời, các doanh nghiệp xăng dầu cũng đề nghị tăng chi phí lưu thông, gồm các chi phí như: vận chuyển, hao hụt, khấu hao, thuế, lệ phí phải nộp, chi phí quản lý khác… tính từ kho xăng dầu đầu mối đến các đại lý, cửa hàng bán lẻ.

* Chiều 14-11, Công an TP Hà Nội đề nghị các hộ gia đình, cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không tích trữ, không tự ý san, chiết xăng, dầu sang các thiết bị, dụng cụ chứa không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Mức phạt đối với hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ từ 15-25 triệu đồng.

PHÚC VĂN - ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//chi-phi-xang-dau-thuc-te-vuot-xa-dinh-muc-856315.html