Chị Phương dám nghĩ, dám làm

Xuất phát điểm là công nhân may mặc, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị Phạm Thị Phương ở xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường đã mở xưởng may gia công tại nhà, bước đầu mang lại thu nhập ổn định cho gia đình và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều phụ nữ ở địa phương.

Chị Phạm Thị Phương (đứng) hướng dẫn người lao động cẩn thận, tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ. Ảnh: Kim Ly

Chị Phạm Thị Phương (đứng) hướng dẫn người lao động cẩn thận, tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ. Ảnh: Kim Ly

Sinh ra và lớn lên ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, năm 2010, chị Phương ra thành phố Hà Nội làm công nhân may, sau đó, chị chuyển về quê chồng ở xã Cao Đại làm việc và sinh sống. Năm 2014, chị xin làm công nhân Công ty TNHH May Việt Thiên, huyện Vĩnh Tường. Nhờ nhanh nhạy, chịu khó, chị được lãnh đạo công ty tin tưởng giao làm quản lý dây truyền may.

Khi làm việc tại đây, chị nhận thấy công ty liên kết với các doanh nghiệp, xưởng may để gia công hàng hóa thành phẩm nên chị nghĩ nếu có điều kiện mở xưởng may riêng sẽ có cơ hội phát triển. Sau 8 năm gắn bó với công ty, đầu năm 2023, chị Phương xin nghỉ việc và bắt đầu làm kinh tế tại nhà theo dự định đã ấp ủ từ lâu.

Chị Phương cho biết: "Làm công nhân may có thu nhập tương đối ổn định, tuy nhiên, thời gian dành cho gia đình, con cái rất ít, mà các con tôi ngày một lớn, cần sự chăm sóc, quan tâm sát sao của bố mẹ, nên tôi quyết định nghỉ làm để dành thời gian nhiều hơn cho các con và gia đình".

Đầu tháng 5/2023, sau một thời gian chuẩn bị về vốn, tìm hiểu thị trường, chị Phương quyết định mở xưởng may tại nhà, nhận gia công sản phẩm quần áo cho các công ty, doanh nghiệp may xuất khẩu. Mở xưởng may, chị Phương mong muốn tạo việc làm cho nhiều phụ nữ trong xã, nhất là các chị em có con nhỏ, hoàn cảnh khó khăn để các chị được làm việc gần nhà, có thời gian chăm sóc gia đình.

Ngày mới thành lập xưởng may, chị Phương sắm được 6 máy may và tuyển 6 nhân công đứng máy. Ngay khi xưởng thành lập, chị đã nhận được các đơn hàng gia công. Tuy nhiên, do một số nhân công chưa có tay nghề, nên lô hàng đầu tiên với khoảng hơn 2.000 sản phẩm bị trả về để sửa lại. Trước tình hình đó, chị Phương không nản chí mà bình tĩnh chỉ bảo, hướng dẫn người lao động may kỹ từng đường kim, mũi chỉ, ai chưa thạo về khâu nào sẽ uốn nắn ngay khâu đó.

Với tinh thần và nỗ lực quyết tâm cao độ, những lô hàng sau của xưởng chị Phương luôn tạo được sự tin tưởng cho các công ty, doanh nghiệp đặt hàng.

Trong tháng 5/2023, xưởng của chị Phương đã xuất được 22 nghìn sản phẩm, tháng 6/2023 xuất được 25 nghìn sản phẩm. Đến nay, xưởng may của chị đã phát triển lên 12 máy và 2 máy lắp tại gia đình 2 nhân công.

Hiện tại, xưởng của chị tạo việc làm thường xuyên cho 12 nhân công, với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều chị em chịu khó, nhanh nhạy, mức thu nhập có thể lên đến 7 triệu đồng/tháng.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị Phương còn tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động do Hội Phụ nữ, các đoàn thể và địa phương phát động; cùng chi hội phụ nữ thôn làm “đường hoa phụ nữ”; tham gia câu lạc bộ “Phụ nữ phân loại rác thải ngay tại gia đình”; giúp đỡ phụ nữ nghèo, khó khăn trong thôn xóm phát triển kinh tế.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cao Đại Phạm Thị Kiều Loan cho biết: "Chị Phương là một tấm gương phụ nữ dám nghĩ, dám làm ở địa phương. Chị là tấm gương sáng để phụ nữ trong xã học tập và noi theo”.

Với thành công bước đầu, thời gian tới, chị Phương sẽ huy động thêm nguồn vốn, tận dụng diện tích đất sẵn có của gia đình để xây dựng thêm nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc và tuyển thêm nhân công, phấn đấu làm giàu cho bản thân, tạo việc làm cho phụ nữ địa phương.

Diệu Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96464//chi-phuong-dam-nghi-dam-lam