Chỉ số chứng khoán Việt Nam mất gần 1.1 triệu tỷ chỉ sau 3 phiên

Chỉ sau 3 phiên, chỉ số chứng khoán VN-Index đã giảm 185 điểm, vốn hóa theo đó giảm gần 1,1 triệu tỷ đồng, còn khoảng 6,2 triệu tỷ đồng.

Kết thúc ngày 8/4, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến phiên giảm mạnh thứ ba trong lịch sử khi VN-Index giảm gần 78 điểm xuống sát 1.130 điểm, tương ứng mức 6,43%. Thanh khoản trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đạt 25.300 tỷ đồng, giảm sâu so với mức hơn 40.000 tỷ đồng của hai phiên trước đó.

Đáng chú ý, lượng hàng T+ phiên lao dốc ngày 3/4 về tài khoản, nhưng thanh khoản không gia tăng quá đáng kể. Điều này có thể do phần lớn nhà đầu tư bớt bi quan, có kỳ vọng cao hơn về đà hồi phục sắp tới và đã nắm chặt hàng.

Đóng cửa, VN-Index giảm 77,8 điểm xuống 1.132,7 điểm. Trên sàn HoSE có 11 mã tăng và 506 mã giảm, trong đó có 265 mã giảm sàn. Trên HNX có 102 mã giảm sàn, Upcom có 69 mã xanh lơ.

Như vậy, chỉ sau 3 phiên, chỉ số VN-Index đã giảm 185 điểm, vốn hóa theo đó giảm gần 1,1 triệu tỷ đồng, còn khoảng 6,2 triệu tỷ đồng.

VN-Index chạm đáy thấp nhất 1,5 năm qua. Ảnh: TradingView

VN-Index chạm đáy thấp nhất 1,5 năm qua. Ảnh: TradingView

Áp lực bán tháo không những không thuyên giảm mà còn ngày càng mạnh lên. Trước sức ép của nguồn cung và sự vắng bóng phe mua, các cổ phiếu từ nhiều nhóm ngành, phân khúc vốn hóa đều giảm sàn kịch biên độ.

Rất nhiều nhà đầu tư nơm nớp hoặc đã trải qua việc bị bán giải chấp các phiên gần đây. Trước khi bị bán, công ty chứng khoán sẽ "call margin" hay lệnh gọi ký quỹ, qua đó đề nghị khách hàng nộp tiền hoặc tăng số lượng chứng khoán thế chấp.

Việc sử dụng đòn bẩy bằng margin giúp nhà đầu tư gia tăng cơ hội sinh lời, ngược lại lúc thị trường khó khăn, sẽ lại mất tiền nhanh hơn, thậm chí không kịp "gỡ".

Chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn giao dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay. Ảnh: Duy Hiệu

Chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn giao dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay. Ảnh: Duy Hiệu

Theo đội ngũ phân tích KBSV, việc chịu tác động bởi cú sốc mạnh đã khiến các vùng hỗ trợ kỹ thuật trên các khung thời gian ngắn liên tiếp bị xuyên thủng.

"Lực cầu bắt đáy đang dần gia tăng nhưng chưa đủ hấp thụ áp lực bán giải chấp bắt đầu xuất hiện đối với một số mã cổ phiếu", chuyên gia KBSV cho hay.

Đáng lưu ý, KBSV dự báo chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục hướng xuống các vùng hỗ trợ trên các khung thời gian dài hơn trước khi có cơ hội hồi phục.

Ông Lê Trần Khang - chuyên gia phân tích Chứng khoán Phú Hưng (PHS) - cho biết căng thẳng thương mại leo thang vẫn đè nặng tâm lý thị trường.

Hàng loạt mã giảm sàn trắng bên mua. Ảnh: Xuân Phong

Hàng loạt mã giảm sàn trắng bên mua. Ảnh: Xuân Phong

Ông Trump tuyên bố áp thuế thêm 50% với hàng hóa Trung Quốc khi Bắc Kinh thông báo sẽ áp thuế nhập khẩu bổ sung 34% lên toàn bộ hàng Mỹ nhằm đáp trả. Bộ Thương mại Trung Quốc "kiên quyết phản đối" lời đe dọa tăng thuế quan của Tổng thống Trump và cam kết sẽ không nhượng bộ trước áp lực.

Trong nước, Chính phủ đang quyết liệt đưa ra những giải pháp thương mại và thúc đẩy đàm phán với Mỹ.

"Tuy nhiên, không có nhóm ngành nào kháng lại được xu hướng chung và số mã giảm kịch sàn gần như áp đảo", ông Khang nhận định.

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất ổn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan. Chính phủ đã có nhiều giải pháp kịp thời, đồng bộ để giảm thiểu tác động của chính sách này đến Việt Nam nhưng kết quả vẫn còn phải chờ đợi.

Vân Chi

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/kinh-doanh/chi-so-chung-khoan-viet-nam-mat-gan-1-1-trieu-ty-chi-sau-3-phien-202504082202188348.html