Chấm dứt sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
Chính phủ yêu cầu chấm dứt việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố.
Định hướng trên được Chính phủ đề cập tại Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Đề án).

Công chức TP Thủ Đức, TP.HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh: Quang Định)
Liên quan đến biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, Chính phủ nhận định, do quy mô đơn vị hành chính cấp xã lớn hơn so với hiện nay và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã tăng lên (thực hiện toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay).
Theo đó, Chính phủ dự kiến biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã theo định hướng trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện và cán bộ, công chức của cấp xã hiện có trước sắp xếp để bố trí cho các đơn vị hành chính cấp xã mới (sau sắp xếp).
Thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản theo đúng quy định.
Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã cho các địa phương.
"Kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố; thực hiện chính sách nghỉ việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà không bố trí công tác theo quy định", đề án nêu rõ.
Căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị hành chính cấp xã, Chính phủ định hướng giao tổng biên chế chính quyền địa phương cấp xã cho các địa phương (dự kiến bình quân khoảng 32 biên chế/1 cấp xã).
Trên cơ sở đó, giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định số lượng biên chế đối với chính quyền địa phương từng đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Hơn 436.000 người hoạt động không chuyên trách tại xã, thôn, tổ dân phố
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính đến hết năm 2021 cả nước có 436.617 người hoạt động không chuyên trách tại xã, thôn, tổ dân phố.
Nghị định số 33/2023 của Chính phủ quy định, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể như sau: loại 1 là 14 người; loại 2 là 12 người; loại 3 là 10 người.
UBND cấp tỉnh căn cứ số lượng đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên lớn hơn so với tiêu chuẩn quy định tại nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để tính số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tăng thêm.
Một số chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã gồm: văn phòng đảng ủy; phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy; thường trực khối vận; tuyên giáo; phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phó chủ tịch Hội Nông dân; phó bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ; phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh; chủ tịch Hội Người cao tuổi; chủ tịch Hội Chữ thập đỏ; phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự...
Về người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, Nghị định số 33/2023 quy định có không quá 3 chức danh (gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận) được hưởng phụ cấp hằng tháng.