Chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2022: Yên Bái xếp thứ 15/63
Theo báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022, tỉnh Yên Bái tăng 12 bậc, xếp vị trí thứ 15/63 tỉnh, thành phố.
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố kết quả đánh giá, xếp hạng về chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh - DTI năm 2022. Đây là năm thứ ba Bộ TT&TT tổ chức đánh giá và công bố xếp hạng về chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. Năm 2022, 100% các bộ, tỉnh đều có chỉ số tăng so với năm 2021. Trong đó, tỉnh Yên Bái từ vị trí 27 tiến lên vị trí thứ 15 trong 63 tỉnh, thành.
Theo xếp hạng chỉ số Chuyển đổi số năm 2022, Chính quyền số cấp tỉnh Yên Bái xếp thứ 15/63, Kinh tế số xếp thứ 7/63, Xã hội số xếp thứ 10/63. (So sánh với năm 2021, các thứ hạng này là 24, 27, 29).
DTI cấp tỉnh gồm 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần. 9 chỉ số chính được phân thành Nhóm chỉ số nền tảng chung và Nhóm chỉ số về hoạt động. Trong đó, Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm 6 chỉ số chính: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng, Đô thị thông minh.
Trong nhóm nền tảng chung: Yên Bái là 1 trong 9 địa phương đứng đầu về nhận thức số, 1 trong 10 địa phương đứng đầu về nhân lực số. Xếp thứ 9 trong đảm bảo An toàn thông tin mạng, đứng thứ 15 trong xếp hạng thể chế số và Xếp thứ 11 trong hoạt động kinh tế số.
Ngoài ra, trong đánh giá về Cổng dịch vụ công - khối tỉnh, tỉnh Yên Bái xếp thứ 3 trong nhóm các tỉnh thành được đánh giá ở mức độ A.
Cũng theo xếp hạng chỉ số Chuyển đổi số năm 2022, Yên Bái là 1 trong 9 địa phương trong toàn quốc dẫn đầu về nhận thức số. Yên Bái cũng nằm trong Top 10 địa phương dẫn đầu về nhân lực số và xếp hạng 3 trong nhóm 9 tỉnh được đánh giá mức độ A trong bảng đánh giá Cổng dịch vụ công khối tỉnh.
Chuyển đổi số ở tỉnh miền núi Yên Bái đã và đang trở thành “phong trào” thi đua sâu rộng, vừa có tính toàn dân và vừa toàn diện trên các lĩnh vực, tại các địa phương, với những kết quả bước đầu ấn tượng. Việc xây dựng mô hình chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số tiếp tục được tập trung chỉ đạo theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể và mục tiêu phục vụ. Kinh tế số bước đầu được hình thành và ngày càng phát triển.
Yên Bái hiện đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố về số lượng tài khoản hoạt động trên các sàn thương mại điện tử Voso và Postmart (đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố về số sản phẩm được đưa lên các sàn thương mại điện tử).
Xã hội số đang dần được hình thành. Ứng dụng công dân số YenBai-S đã triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, trở thành kênh thông tin tương tác quan trọng giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực cải thiện mức độ hài lòng của người dân với chính quyền cũng như nâng cao thứ hạng các bộ chỉ số đánh giá về tỉnh.