Chỉ số đường huyết người trên 60 tuổi bao nhiêu, triệu chứng nào cảnh báo đường tăng cao?

Đo lượng đường trong máu chính xác không chỉ có thể xác định việc kiểm soát lượng đường mà còn hướng dẫn điều trị và ngăn ngừa các biến chứng.

Ông Ngô năm nay 63 tuổi nhưng mắc bệnh tiểu đường đã hơn chục năm. Mặc dù uống thuốc đúng giờ nhưng không thể kiểm soát tốt chế độ ăn uống và lịch trình làm việc của mình. Ông thường theo dõi lượng đường trong máu, cảm thấy các giá trị gần như giống nhau nên không để ý lắm.

Cách đây không lâu, ông Ngô cảm thấy chân tay yếu ớt, tê cứng, lúc đó ông cho rằng nguyên nhân là do bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Sau đó, ôn Ngô liên tiếp có dấu hiệu mất trí nhớ, tinh thần bất thường và hành vi chậm chạp. Tuy nhiên, gia đình chỉ nghi ngờ liệu ông có mắc bệnh Alzheimer hay không.

Cho đến một ngày, ông Ngô đột nhiên hôn mê và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Kết quả cho thấy mạch máu não bị tắc nghẽn nghiêm trọng dẫn tới nhồi máu não đột ngột. Điều đáng buồn là sau 2 giờ cấp cứu, ông Ngô đã qua đời.

Các bác sĩ cho biết nhồi máu não là biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường. Nếu lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt, môi trường lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương mạch máu và dây thần kinh, cuối cùng có thể dẫn đến nhồi máu não.

Lượng đường trong máu bình thường đối với người trên 60 tuổi là bao nhiêu?

Kiểm soát lượng đường trong máu kém trong thời gian dài có thể gây tổn thương nhiều hệ thống, dẫn đến tổn thương tiến triển mãn tính và suy giảm chức năng của nhiều mô và cơ quan như mắt, tim, thận, mạch máu, dây thần kinh và các biến chứng khác. Kiểm soát lượng đường trong máu là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tiêu chuẩn kiểm soát lượng đường trong máu được khuyến nghị cho người lớn mắc bệnh tiểu đường loại 2 là: lượng đường trong máu lúc đói 4,4-7,0 mmol/L; lượng đường trong máu sau bữa ăn ≤ 10mmol/L.

Đối với những người trên 60 tuổi, do chức năng cơ thể đặc biệt thấp, hoặc bị huyết áp cao, bệnh tim và các tình trạng khác nên tiêu chuẩn lượng đường trong máu lúc đói có thể được duy trì ở mức 7,0 ~ 8,5mmol/L là bình thường, không vượt quá 11,1mmol/L sau bữa ăn 2 giờ.

5 triệu chứng cảnh báo lượng đường trong máu quá cao

Tê tay chân

Khi lượng đường trong máu duy trì ở trạng thái tương đối cao trong thời gian dài, độ nhớt của máu sẽ tăng lên, làm tổn thương mạch máu và hệ thần kinh, khiến người bệnh thường xuyên bị tê, đau hoặc có cảm giác bất thường ở tay chân như cảm giác nóng rát, kiến bò.

Bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường có thể xảy ra vào thời điểm này.

Đổ mồ hôi bất thường

Đổ mồ hôi bất thường, đặc trưng là đổ mồ hôi nhiều ở thân nhưng ít đổ mồ hôi ở chân tay, hoặc không ra mồ hôi và khô da, là dấu hiệu của bệnh thần kinh tự chủ do tiểu đường, gây ra tuyến mồ hôi tiết ra bất thường.

Tăng tiểu đêm và khát nước

Sau khi lượng đường trong máu tăng lên, thận bắt đầu làm việc nhiều hơn để loại bỏ lượng glucose dư thừa, dẫn đến lượng nước tiểu tăng lên, đặc biệt là tiểu đêm. Sau khi cơ thể mất đi nhiều nước, cơ thể con người sẽ dễ dàng có cảm giác khát nước.

Đau lưng

Khi lượng đường trong máu tăng cao dẫn đến tăng bài tiết glucose qua nước tiểu, một lượng lớn canxi trong máu sẽ bị mất đi, cộng với việc thiếu insulin, tổng hợp collagen không đủ và chất nền xương giảm sẽ dẫn đến bệnh loãng xương do tiểu đường và các triệu chứng đau thắt lưng.

Mùi hôi miệng

Tình trạng đường huyết cao sẽ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho vi khuẩn gây bệnh trong khoang miệng, lâu dài dễ dẫn đến viêm nha chu và hôi miệng.

Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường còn bị rối loạn nội tiết, dịch cơ thể tăng thể ceton, khí thở ra sẽ có mùi axeton.

Đo lượng đường trong máu mỗi ngày thế nào cho chính xác?

Trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường, việc theo dõi lượng đường trong máu là một điều rất quan trọng. Đo lượng đường trong máu chính xác không chỉ có thể xác định việc kiểm soát lượng đường mà còn hướng dẫn điều trị và ngăn ngừa các biến chứng.

Cách chọn máy đo đường huyết

Khi mua máy đo đường huyết, bạn chủ yếu nên xem xét độ chính xác, cấu hình thiết bị, hoạt động và tính di động,…

Trước hết, dữ liệu của máy đo đường huyết phải giống với kết quả xét nghiệm máu tĩnh mạch và kết quả xét nghiệm không được quá khác nhau. Đồng thời, kiểm tra tình trạng thiết bị của từng phụ kiện của máy đo đường huyết như kim lấy máu có thuận tiện sử dụng hay không, lượng máu cần lấy, thời gian đọc của máy, kích thước và độ rõ của màn hình hiển thị,…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khi đo đường huyết cần chú ý điều gì?

Lượng đường trong máu có thể thay đổi bất cứ lúc nào và việc quản lý cần được theo dõi thường xuyên. Nói chung, việc theo dõi đường huyết có thể được thực hiện vào các thời điểm khác nhau trong ngày, bao gồm trước ba bữa ăn, 2 giờ sau ba bữa ăn, trước khi đi ngủ và nếu cần, đo đường huyết vào ban đêm (2 giờ đến 3 giờ sáng).

Trong quá trình lấy máu, bạn phải đảm bảo tay sạch, có thể sát khuẩn tay bằng cồn hoặc rửa bằng xà phòng và nước ấm, lau khô bằng khăn giấy sạch, trước khi lấy máu phải khô tay để tránh ảnh hưởng đến độ chính xác.

Nên chọn vị trí lấy máu ở cả hai bên ngón đeo nhẫn, ngón giữa hoặc ngón út, có thể giảm đau và không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Chỉ cần lấy một lượng máu thích hợp, quá nhiều máu sẽ ảnh hưởng đến kết quả. Khi sử dụng que thử đường huyết, hãy chú ý xem chúng đã bị ẩm hay đã hết hạn sử dụng.

T. Linh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/chi-so-duong-huyet-nguoi-tren-60-tuoi-bao-nhieu-trieu-chung-nao-canh-bao-duong-tang-cao-d194301.html