Chỉ số giá tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,61%
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có 8/11 nhóm tăng so với tháng trước gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,16%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,42%.
Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2020 của thành phố tăng 0,61% so với tháng trước.
Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có 8/11 nhóm tăng so với tháng trước gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,16%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,42%.
Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,43%. Nhóm doanh thu dịch vụ khác 7 tháng ước tính đạt 214.212 tỷ đồng, chiếm 29,9% tổng mức và giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; nhóm giao thông tăng 4,59%; nhóm giáo dục tăng 0,08%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,11%.
Chỉ số giá giảm có 1/11 nhóm là nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,05%. Hai nhóm không biến động so với tháng trước bao gồm nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm bưu chính viễn thông.
Phân tích diễn biến giá cụ thể một số nhóm ngành hàng so tháng trước, Cục Thống kê thành phố cho biết, chỉ số giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,16%.
Trong số đó, lương thực giảm 0,05%, tập trung ở các mặt hàng gạo tẻ thường, mì. Nhóm thực phẩm tăng 0,36%, trong đó có 8 nhóm tăng gồm thịt gia súc tươi sống; nhóm thịt chế biến; nhóm dầu mỡ và chất béo khác; nhóm thủy sản tươi sống; nhóm nước mắm, nước chấm; nhóm rau tươi, khô và chế biến; nhóm quả tươi, chế biến; nhóm sữa, bơ, phô mai.
Cụ thể, thịt gia súc tươi sống tăng 0,01% so tháng trước, thịt gia cầm tươi sống giảm 0,79%, thịt chế biến tăng 1,97%, trứng các loại giảm 0,02%, thủy sản tươi sống tăng 0,14%, thủy sản chế biến giảm 0,60%, rau tươi, khô và chế biến tăng 2,64%.
Do giá thịt lợn tăng cao kéo theo các sản phẩm chế biến từ thịt lợn tăng theo như thịt heo quay, patê, lạp xưởng, thịt hộp.
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vậy liệu xây dựng tăng 0,43% so tháng trước; trong đó, ngoài giá điện sinh hoạt giảm 0,09%, các nhóm khác tăng như giá nước sinh hoạt tăng 0,37%, giá nhà ở thuê tăng 0,28%, gas và các loại chất đốt tăng 3,57%.
Nhóm giao thông tăng 4,59% so tháng trước, chủ yếu do tác động của lần điều chỉnh giá xăng dầu vào 15 giờ ngày 27/6/2020. Theo đó, giá xăng, dầu diezel tăng 9,02% so tháng trước; phương tiện đi lại tăng 0,19%; phụ tùng tăng 0,08%; bảo dưỡng phương tiện tăng 0,73%; dịch vụ cho các phương tiện cá nhân tăng 2,59%; vé tàu hỏa giảm 2,77%; còn lại các mặt hàng và dịch vụ khác thuộc nhóm giao thông không biến động.
Ở chiều ngược lại, nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,05% so tháng trước; trong đó, nước giải khát có ga giảm 1,11%; nước quả ép giảm 1,13%; các loại rượu giảm nhẹ; thuốc lá các loại không thay đổi so với tháng trước.
Với diễn biến như trên, CPI tháng 7/2020 của thành phố giảm 0,13% so với tháng 12/2019 và tăng 2,62% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng năm 2020 tăng 3,36% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Tương tự, theo ghi nhận của Cục Thống kê thành phố chỉ số giá vàng tháng 7/2020 tăng 2,46% so với tháng trước; tăng 20,5% so với tháng 12/2019; tăng 28,49% so với cùng tháng năm trước và bình quân 7 tháng năm 2020 tăng 27,05% so với năm trước.
Chỉ số giá USD tháng 7/2020 giảm 0,23% so với tháng trước; tăng 0,3% so với tháng 12/2019; giảm 0,06% so với cùng tháng năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2020, chỉ số giá USD tăng 0,45% so với cùng kỳ năm trước./.