Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng cao
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1, một số địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo quy định mới. Giá dịch vụ giao thông, thực phẩm tăng do nhu cầu đi lại và mua sắm của người dân tăng trong dịp Tết Nguyên đán đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao.
Tổng cục Thống kê cho biết, CPI trong tháng 1 tăng 0,98% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 1 tăng 3,63%.
Trong mức tăng so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Cụ thể, nhóm có chỉ số giá tăng gồm: Thuốc và dịch vụ y tế (tăng cao nhất với tăng 9,47% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,51%). Cùng đó, nhóm giao thông tăng 0,95% do nhu cầu người dân đi lại cao dịp cuối năm; nhóm dịch vụ ăn uống tăng 0,74%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,69% do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng tăng vào dịp Tết...
Cận Tết nên nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cũng tăng 0,27%, tập trung chủ yếu ở những mặt hàng: Giá nhóm hoa, cây cảnh, vật cảnh, du lịch trọn gói, chi phí dịch vụ...
![Nhiều mặt hàng trong dịp Tết tăng cao đẩy CPI trong tháng 1 tăng mạnh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_20_51412114/44be850abd44541a0d55.jpg)
Nhiều mặt hàng trong dịp Tết tăng cao đẩy CPI trong tháng 1 tăng mạnh.
Ngược lại, giá điện sinh hoạt giảm 0,51% so với tháng trước; giá nước sinh hoạt giảm 0,29% do nhu cầu tiêu dùng giảm trong mùa đông; nhóm giáo dục giảm nhẹ 0,04%, trong đó, dịch vụ giáo dục giảm 0,05% chủ yếu do TPHCM thực hiện Nghị quyết của HĐND về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho học sinh trung học cơ sở công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trung học cơ sở năm học 2024-2025.
Lạm phát cơ bản tháng 1 tăng 0,42% so với tháng trước và tăng 3,07% so với cùng kỳ năm trước.
"Nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản", Tổng cục Thống kê nhận định.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1, cả nước có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 30,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước có gần 22,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 65,2% nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 1 lên hơn 33,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 15%.
Cũng trong tháng 1, có 52,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,2%; có gần 3,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 55,2%; có 2.021 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 8,3%. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 58,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chi-so-gia-tieu-dung-thang-1-tang-cao-post1714801.tpo