Chỉ số kiểm soát tham nhũng được cải thiện mạnh
Sáng 14/4, Hội nghị Công bố Báo cáo Chỉ số Quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020 đã diễn ra tại Hà Nội.
Trên 90% người dân hài lòng về kiểm soát đại dịch Covid-19
Báo cáo PAPI 2020 được thực hiện với hơn 14.700 người dân tham gia phỏng vấn. Đây là số lượng người dân tham gia đông nhất kể từ khi khảo sát được thực hiện trên toàn quốc lần thứ nhất vào năm 2011.
Bức tranh toàn cảnh từ kết quả Chỉ số PAPI cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công trong nhiệm kỳ chính quyền các cấp 2016 - 2021 có nhiều chuyển biến tích cực.
Có tới 60 tỉnh, thành phố ghi nhận những thay đổi tích cực, thể hiện qua tỉ lệ tăng trưởng điểm PAPI gốc thường niên dao động từ 0,1% đến 3,1% trong thời gian kể từ khi nghiên cứu PAPI bắt đầu theo dõi hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố năm 2011.
Đặc biệt, hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân cải thiện đáng kể. Mặc dù hiện trạng tham nhũng, nhũng nhiễu vẫn còn tương đối phổ biến, trong năm 2020 người dân ít gặp phải nhũng nhiễu hơn so với năm 2019 khi sử dụng một số dịch vụ công căn bản hoặc muốn có việc làm trong khu vực Nhà nước.
Về trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền, tần suất tiếp xúc giữa công dân và chính quyền ở cấp thôn, tổ dân phố và với Hội đồng nhân dân cấp xã năm 2020 cao hơn so với năm 2019.
Những nỗ lực đó có thể đã và đang đóng góp cho sự thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Sự tuân thủ của người dân với các biện pháp mạnh trong phòng, chống Covid-19 như cách ly và giãn cách xã hội đòi hỏi tính nghiêm túc trong thực thi chính sách của chính quyền và sự đồng lòng, niềm tin của công chúng.
Vì vậy, với hiệu quả quản trị công càng cao, Việt Nam sẽ ứng phó tốt với những tình huống khủng hoảng ngoài dự đoán như đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phát triển kinh tế sau khủng hoảng.
Mặc dù Việt Nam thành công trong kiểm soát đại dịch Covid-19 trong năm 2020, những phát hiện nghiên cứu trong báo cáo này cũng chỉ ra tác động của đại dịch tới người dân. Mối quan ngại về đói nghèo vẫn ở mức cao nhất, mặc dù tỉ lệ người trả lời cho rằng đây là vấn đề cần Nhà nước ưu tiên tập trung giải quyết giảm xuống còn 18%, mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Bên cạnh đó, mối quan ngại về y tế, bảo hiểm y tế và tăng trưởng kinh tế tăng lên đột biến. Lần đầu tiên sau 10 năm, tỉ lệ người dân cho biết tình hình kinh tế hộ gia đình của họ ở mức khá và rất khá giảm đi. Mức độ lạc quan với nền kinh tế của Việt Nam cũng giảm mạnh.
Tình trạng “lót tay” để có việc làm phổ biến ở Quảng Ninh
Cũng như các năm trước, Báo cáo PAPI 2020 cung cấp kết quả chi tiết về hiệu quả hoạt động của các tỉnh trên tám chỉ số nội dung (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; và Quản trị điện tử), cũng như điểm PAPI tổng hợp.
Năm 2020, không có tỉnh, thành phố nào trong số 63 tỉnh, thành phố nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất ở cả tám chỉ số nội dung.
Về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công là chỉ số đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền, đồng thời phản ánh mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân. Có tới 18 tỉnh, thành phố có tiến bộ rõ rệt so với kết quả năm 2019.
Như nhiều năm trước, Bến Tre tiếp tục đứng trong nhóm 16 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất ở chỉ số nội dung này. Chỉ có sáu tỉnh có mức sụt giảm điểm đáng kể so với kết quả năm 2019. Trong đó, điểm của Ninh Thuận và Ninh Bình sụt giảm nhiều nhất. Trong năm thành phố trực thuộc Trung ương quản lý, Hải Phòng và TPHCM thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất qua hai năm 2019 và 2020.
9 trong 10 địa phương dẫn đầu ở chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kiểm soát sáu loại hành vi tham nhũng ở cán bộ, công chức là các tỉnh miền Trung và phía Nam. Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre, Quảng Trị và Quảng Nam là năm tỉnh dẫn đầu trong ở chỉ tiêu đo lường mức độ hiệu quả kiểm soát một số hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức.
Sáu loại hình hành vi tham nhũng, theo khảo sát PAPI, phổ biến nhất ở Lâm Đồng, Kon Tum, Khánh Hòa, Hải Phòng và Ninh Bình.
Ở Quảng Ninh, hiện trạng “lót tay” để có việc làm trong cơ quan Nhà nước khá phổ biến. Ở Bến Tre và Đồng Tháp, hiện trạng “lót tay” khi làm giấy phép xây dựng khá phổ biến.
So với kết quả năm 2016, kết quả 2020 cho thấy mối quan hệ thân quen (hiện trạng “vị thân”) trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực Nhà nước có xu hướng giảm trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, mối quan hệ thân quen với người có chức, có quyền trong bộ máy chính quyền vẫn được xem là quan trọng hoặc rất quan trọng khi muốn xin vào làm một trong năm vị trí công chức, viên chức cấp xã, phường, kể cả ở những tỉnh dẫn đầu ở chỉ tiêu đánh giá này.
Năm 2020, Phú Yên, Lai Châu, Khánh Hòa, Sơn La, Điện Biên, Lâm Đồng và Quảng Bình là những nơi mối quan hệ thân quen trong tuyển dụng vào khu vực Nhà nước phổ biến nhất.
Chỉ số thủ tục hành chính công, trong số năm thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội và Cần Thơ thuộc về nhóm 16 tỉnh đạt điểm thấp nhất.
Phần lớn các tỉnh, thành phố (trừ Hải Phòng, Thái Bình, Hòa Bình và Bắc Ninh) đạt được một số tiến bộ trong cung ứng dịch vụ liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong năm 2020 so với kết quả năm 2016.
Về chỉ số quản trị môi trường, Đồng Tháp là tỉnh duy nhất trên toàn quốc đạt mức điểm 5,2 trên thang đo từ 1 đến 10 điểm ở chỉ số nội dung này. Những “vùng trũng” nơi người dân quan ngại về hiện trạng môi trường là Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, nơi có nhiều khu công nghiệp tập trung.
Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng và Đà Nẵng rơi vào nhóm 16 tỉnh đạt điểm thấp nhất. Các tỉnh phát triển công nghiệp, gồm Bình Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Lâm Đồng cũng nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất.
Ngoài ra, Báo cáo PAPI 2020 bao gồm kết quả của nội dung thành phần và chỉ tiêu cụ thể. Để đáp ứng những quan tâm và kỳ vọng của người dân một cách hiệu quả, các tỉnh, thành phố cần tìm hiểu phân tích sâu những kết quả này, thay vì chỉ so sánh điểm số tổng hợp.
Phát biểu tại buổi công bố báo cáo, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng PAPI sẽ tiếp tục cung cấp dữ liệu cần thiết và đáng tin cậy về hiệu quả công tác điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền và đóng góp đáng kể vào quá trình đổi mới tư duy, hướng tới quản trị công hiện đại và đổi mới chính sách dựa trên dẫn chứng từ thực tiễn”.