Chỉ số MXV-Index tăng tuần thứ hai giữa những biến động của thị trường
Theo ghi nhận từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), dòng tiền mua vào chiếm ưu thế trong tuần giao dịch từ 14–20/7. Kết thúc ngày giao dịch, MXV‑Index tăng 0,8%, đạt 2.248 điểm, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp.
Giá cà phê thế giới và trong nước sẽ có sự điều chỉnh
Hai mặt hàng chiến lược là cà phê Arabica và Robusta tiếp tục thu hút sự chú ý. Trong đó, giá cà phê Arabica tăng gần 6%, lên mức 6.693 USD/tấn, trong khi giá cà phê Robusta tăng hơn 4% lên 3.348 USD/tấn.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lượng tồn kho thấp đang khiến triển vọng xuất khẩu cà phê của Brazil trong niên vụ 2025–2026 đối mặt với nhiều thách thức. Ước tính, sản lượng xuất khẩu của quốc gia này chỉ dao động trong khoảng 34–41,4 triệu bao, giảm mạnh từ 8,75% đến 25% so với mức 45,59 triệu bao của niên vụ trước.
Trong khi đó, tiến độ sản xuất tại Brazil vẫn diễn ra thuận lợi. Báo cáo từ Safras & Mercado cho biết, tính đến ngày 16/7, Brazil đã hoàn tất 77% vụ thu hoạch cà phê cho niên vụ 2025–2026, vượt so với mức 74% cùng kỳ năm ngoái. Thời tiết khô ráo được xem là yếu tố hỗ trợ chính giúp đẩy nhanh tốc độ thu hoạch.
Tuy nhiên, ngành cà phê Brazil đang đứng trước trở ngại mới khi Mỹ áp dụng mức thuế quan cao. Cụ thể, sau một tuần kể từ khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế 50% với toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Brazil sang Mỹ, bắt đầu từ ngày 1/8 tới, hai bên vẫn chưa tổ chức cuộc đối thoại cấp cao nào. Nếu chính sách thuế này chính thức có hiệu lực, ngành cà phê Brazil sẽ đối diện nguy cơ lớn, bởi Mỹ là quốc gia tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới và đồng thời là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất từ Brazil. Năm 2024, Mỹ tiêu thụ khoảng 24 triệu bao cà phê, trong đó có đến 8,1 triệu bao là từ Brazil.
Động thái áp thuế có thể làm xáo trộn nghiêm trọng cán cân cung cầu trên thị trường cà phê toàn cầu, bởi hiện chưa có nguồn cung nào đủ lớn để thay thế Brazil trong ngắn hạn. Trước bối cảnh đó, MXV nhận định, giá cà phê thế giới, kéo theo giá trong nước, nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong những phiên đầu tuần do tâm lý tích trữ hàng hóa tại Mỹ gia tăng trước thời điểm thuế quan có hiệu lực. Tuy nhiên, xu hướng giá về cuối tuần sẽ phụ thuộc vào diễn biến chính sách thương mại giữa hai nước cũng như cập nhật mới nhất về nguồn cung từ Brazil.
Giá dầu thô xuống mức 70 USD/thùng
Trái ngược với đà tăng của nhóm nguyên liệu công nghiệp, nhóm năng lượng ghi nhận diễn biến kém tích cực. Giá dầu thô WTI rơi xuống dưới mức 70 USD/thùng, mức hỗ trợ kỹ thuật quan trọng, cho thấy tâm lý thận trọng đang bao trùm thị trường năng lượng.

Những lo ngại xoay quanh bất ổn địa chính trị một lần nữa phủ bóng lên thị trường năng lượng toàn cầu. Ngày 14/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine và cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những quốc gia duy trì giao thương với Nga, nếu Nga và Ukraine không đạt được thỏa thuận mới trong vòng 50 ngày tới.
Mặc dù ban đầu xuất hiện nhiều suy đoán rằng các biện pháp này có thể được triển khai ngay lập tức, nhưng trên thực tế, động thái của Mỹ đã góp phần khiến cục diện chính trị tại Đông Âu thêm phần phức tạp. Đồng thời, tình hình tại Trung Đông cũng đang có dấu hiệu căng thẳng trở lại, đặc biệt là những diễn biến leo thang giữa Israel và Syria.
Dù vậy, giá dầu vẫn chịu sức ép đáng kể từ hai yếu tố chính: căng thẳng thương mại toàn cầu do các chính sách thuế quan từ Nhà Trắng và nguy cơ dư thừa nguồn cung trong phần còn lại của năm nay. Trong khi đó, nhu cầu dầu thô toàn cầu tiếp tục được nâng đỡ nhờ triển vọng phục hồi khả quan hơn dự kiến của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang theo sát các động thái từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), trong bối cảnh khả năng FED hạ lãi suất cơ bản từ mức cao hiện tại 4,25–4,5% vẫn được đánh giá là không cao.
Trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên, biến động tỷ giá VND/USD và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định phương án điều hành giá xăng dầu nhằm bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường.
Ở chiều ngược lại, giá khí tự nhiên trên sàn NYMEX đã bật tăng mạnh 7,57% so với phiên cuối tuần trước, lên mức 3,57 USD/MMBtu, mức cao nhất kể từ đầu tháng 7 đến nay. Bất chấp lượng tồn kho khí đốt tại Mỹ tiếp tục gia tăng, giá khí vẫn được hỗ trợ vững chắc nhờ nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao trong bối cảnh thời tiết nắng nóng quay trở lại tại nhiều khu vực của nước này.
Theo báo cáo hàng tuần công bố ngày 16/7 của Viện Điện Edison, tổng sản lượng điện tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 12/7 đạt 98.133 GWh, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 52 tuần gần nhất, sản lượng điện đạt 4.248.982 GWh, tăng 2,4% so với năm trước. Đây được xem là tín hiệu tích cực đối với nhu cầu khí tự nhiên dùng trong phát điện.