Chỉ số PAPI tăng vượt bậc, Hà Nội thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tổng điểm cao nhất
Sáng 12/4, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng các đối tác đã công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022.
PAPI năm 2022 tiếp tục đo lường 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.
PAPI năm 2022 phỏng vấn 16.117 người (cao nhất từ trước tới nay) được lựa chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Năm 2022, Quảng Ninh trở lại ngôi đầu bảng PAPI 2022 sau 1 năm không xếp hạng do những sai số trong dữ liệu. Năm nay, với số điểm 47,8 điểm, ngôi đầu PAPI có số điểm cao hơn 9 điểm so với địa phương có điểm số thấp nhất (Cao Bằng, 38,8 điểm).
Trong các chỉ số thành phần, Quảng Ninh đứng đầu ở chỉ số công khai, minh bạch trong quyết định (6,37 điểm), kiểm soát tham nhũng (4,58 điểm); thủ tục hành chính công (7,65). Các chỉ số còn lại là tham gia của người dân ở cấp cơ sở, trách nhiệm giải trình với người dân, cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường, quản trị điện tử đều được đánh giá ở nhóm địa phương có điểm số cao nhất.
Theo Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI cho biết trong các tỉnh, thành phố, đáng chú ý sau nhiều nỗ lực, Hà Nội đã vươn lên từ vị trí thấp trong năm 2020 lên nhóm có vị trí cao nhất trong năm 2022. Ngược lại, Đà Nẵng lại tụt xuống nhóm có vị trí trung bình sau nhiều năm đứng ở top đầu.
So với kết quả PAPI năm 2021, có 33 tỉnh/thành phố đạt mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 1 "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở"; 18 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 2 "Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương" và 30 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 8 "Quản trị điện tử".
Tuy nhiên, 29 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 7 "Quản trị môi trường", 18 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 4 "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" và 18 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 6 "Cung ứng dịch vụ công".
Báo cáo PAPI năm 2022 cũng phản ánh sự lạc quan của người dân về kinh tế tuy vẫn còn nỗi lo ngại về tác động của đại dịch. Báo cáo cho thấy sự thay đổi quan điểm của người dân về hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương trong bối cảnh người dân kỳ vọng về nền quản trị hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Những nỗ lực của Việt Nam trong năm 2022 nhằm khắc phục các tác động kinh tế-xã hội của hai năm đại dịch COVID-19 đã giúp tăng niềm tin của người dân vào điều kiện kinh tế của hộ gia đình và của quốc gia trong năm qua. Có tới 66,1% số người được hỏi đánh giá nền kinh tế quốc gia là “tốt” vào năm 2022 – tăng 19,4% so với một năm trước đó.
Tuy cảm nhận về điều kiện kinh tế khá hơn, tác động của hai năm đại dịch vẫn còn đó, kết quả khảo sát cũng cho thấy nhiều người vẫn còn nỗi lo ngại về ảnh hưởng của đại dịch, trong đó người dân tộc thiểu số và phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tỉ lệ nghèo đói và việc làm không ổn định cao hơn ở hai nhóm này.
Sự chuyển dịch sang thời kỳ hậu đại dịch cũng được phản ánh trong ý kiến của người dân khi được hỏi về những vấn đề hệ trọng nhất cần Nhà nước tập trung giải quyết trong năm 2022.
Tỉ lệ lựa chọn vấn đề y tế và bảo hiểm y tế là vấn đề hệ trọng nhất, giảm mạnh từ 23,84% theo khảo sát PAPI 2021 xuống 6,38% theo khảo sát PAPI 2022.
Báo cáo PAPI 2022 cho thấy, mặc dù Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ trên toàn quốc, song người dân vẫn bày tỏ quan ngại hơn về tham nhũng so với một năm trước đó. Xét trên chỉ số nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công nói chung, đây là lần đầu tiên có xu hướng suy giảm của kết quả này kể từ năm 2015.