Chỉ số PPI của Mỹ phục hồi trong tháng 7/2020
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 7/2020 của Mỹ đã ghi nhận mức tăng nhiều nhất trong hơn một năm rưỡi qua, song vẫn ảm đạm khi dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 đang chững lại.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 7/2020 của Mỹ đã ghi nhận mức tăng nhiều nhất trong hơn một năm rưỡi qua, song chỉ số này vẫn ảm đạm giữa bối cảnh những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau đại dịch COVID-19 đang chững lại.
Cụ thể, PPI tháng 7/2020 đã tăng 0,6% nhờ phí quản lý danh mục đầu tư và chi phí xăng dầu tăng. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 10/2018, sau khi giảm 0,2% trong tháng 6/2020. Trong 12 tháng tính đến tháng 7/2020, PPI đã giảm 0,4% sau khi giảm 0,8% trong 12 tháng tính đến tháng 6/2020.
PPI tháng 7/2020 do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 11/8 cũng cao hơn so với dự báo tăng 0,3% mà các nhà kinh tế của hãng tin Reuters đưa ra.
Nếu không tính các thành phần lương thực, năng lượng và dịch vụ thương mại có nhiều biến động, PPI đã tăng 0,3% trong tháng Bảy, sau khi tăng tương tự trong tháng Sáu. Trong 12 tháng tính đến tháng 7/2020, chỉ số PPI lõi tăng 0,1%.
PPI tăng lên tiếp tục làm giảm nguy cơ giảm phát. Giảm phát thường không tốt trong thời kỳ suy thoái vì người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể trì hoãn việc mua hàng với dự đoán giá giảm.
Nhìn chung, lạm phát vừa phải sẽ cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, trong bối cảnh cơ quan này đang nỗ lực điều chỉnh nền kinh tế trở lại bình thường.
Fed theo dõi Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCE) vì mục tiêu lạm phát 2%. Chỉ số giá PCE lõi đã tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 6/2020. Chỉ số PCE của tháng Bảy sẽ được công bố vào cuối tháng này.
Một báo cáo khác công bố ngày 11/8 cho thấy, niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ đã giảm trở lại trong tháng Bảy, khi các chủ doanh nghiệp đang điều chỉnh kỳ vọng kinh tế trong sáu tháng tới.
Các doanh nghiệp nhỏ cho rằng doanh số bán hàng thường thấp hơn do các hạn chế kinh doanh, yêu cầu giãn cách xã hội và mức độ sẵn sàng đi ra ngoài và hòa nhập của người tiêu dùng vẫn còn thấp.
Kinh tế Mỹ, vốn đã bước vào thời kỳ suy thoái hồi tháng 2/2020, đã phải hứng chịu tác động mạnh nhất kể từ cuộc Đại suy thoái trong quý thứ II/2020, khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm với tốc độ nhanh nhất trong ít nhất 73 năm./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chi-so-ppi-cua-my-phuc-hoi-trong-thang-7-2020/165909.html