Chỉ số theo dõi chu kỳ kinh doanh báo hiệu Mỹ sắp rơi vào suy thoái
Chỉ số LEI, theo dõi sự thay đổi trong chu kỳ kinh doanh ở Mỹ, giảm trong tháng thứ 15 liên tiếp, báo hiệu nền kinh tế lớn nhất thế giới sắp rơi vào suy thoái.
Hôm 20-7, Conference Board (Mỹ) cho biết, chỉ số kinh tế dẫn dắt LEI (Leading Economic Index) mà tổ chức này theo dõi như là thước đo dự báo các hoạt động kinh tế của Mỹ trong tương lai, giảm 0,7% trong tháng 6, xuống còn 106,1 điểm. Mức giảm này cao hơn một chút so với dự báo của các nhà kinh tế và đánh dấu tháng giảm thứ 15 liên tiếp của chỉ số này, mạch giảm dài nhất kể từ cơn suy thoái kinh tế của Mỹ giai đoạn 2007-2009. Conference Board là tổ chức nghiên cứu doanh nghiệp có thành viên ở 60 quốc gia, đặt trụ sở ở thành phố New York.
Chỉ số LEI là một biến số dự báo các bước ngoặt trong chu kỳ kinh doanh ở Mỹ trong khoảng bảy tháng. Chỉ số này dựa trên 10 dữ liệu, trong số đó có lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu, đơn đặt hàng mới của nhà sản xuất, giấy phép xây dựng nhà ở mới, giá cổ phiếu và kỳ vọng của người tiêu dùng về các điều kiện kinh doanh.
Tatevik Sekhposyan, giáo sư kinh tế tại Đại học Texas A&M, nói: “Nếu mọi người tăng xin giấy phép xây dựng thì hoạt động kinh tế trong tương lai trong lĩnh vực xây dựng sẽ tăng trưởng”.
“Tổng hợp lại, các dữ liệu của tháng 6 cho thấy hoạt động kinh tế của Mỹ sẽ tiếp tục giảm tốc trong những tháng tới”, Justyna Zabinska-La Monica, nhà quản lý cấp cao về các chỉ số chu kỳ kinh doanh tại của Conference Board, cho biết trong một tuyên bố.
“Giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, tín dụng khó tiếp cận hơn và chi tiêu chính phủ giảm có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn nữa”, Zabinska-La Monica nói thêm.
Conference Board giải thích, chỉ số LEI giảm trong tháng 6 là do triển vọng tiêu dùng suy yếu và số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng lên. Conference Board cũng nhấn mạnh lại dự báo của tổ chức này rằng, nền kinh tế Mỹ có khả năng sẽ suy thoái từ quí 3 hiện tại đến quí 1-2024.
Conference Board cho biết mức giảm của chỉ số LEI đang tăng tốc, giảm 4,2% trong sáu tháng qua so với 3,8% trong khoảng thời gian sáu tháng cuối năn ngoái.
Tuy nhiên, Ayse Imrohoroglu, giáo sư tại Trường Kinh doanh Marshall của Đại học Nam California, lưu ý tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn rất thấp. Bà cho rằng chỉ số LEI đang mất đi một số năng lực dự báo.
Ed Yardeni, Chủ tịch Công ty nghiên cứu Yardeni Research, cho rằng chỉ số LEI chỉ dự báo “đúng một nửa”, vì chú trọng quá mức đối với hàng hóa và không chú ý nhiều đến lĩnh vực dịch vụ.
Trong khi đó, một số nhà kinh tế khác, vốn bi quan trước đây, bắt đầu điều chỉnh dự báo, cho rằng lạm phát của Mỹ sẽ giảm nhanh hơn và nền kinh tế lớn thứ giới sẽ vẫn chống chịu tốt các bất ổn.
Peter Hooper, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu của ngân hàng Deutsche Bank, và nhà kinh tế trưởng Doug Duncan của Hiệp hội cho vay thế chấp quốc gia Mỹ ( Fannie Mae) nhận định hiện tại, về cơ bản, việc dự báo nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái hay hạ cánh mềm và tiếp tục tăng trưởng cũng giống như việc tung đồng xu. Tuy nhiên, họ vẫn cho rằng suy thoái vẫn có thể xảy ra hơn là không.
Aichi Amemiya, nhà kinh tế cấp cao của Nomura Securities International, cũng kiên định với dự báo kinh tế Mỹ sắp tiến vào suy thoái. Ông nói: “Mỹ đang cận kề với suy thoái”.
Trong cuộc khảo sát do Bloomberg thực hiện trong tháng 7 này, các nhà kinh tế điều chỉnh dự báo GDP của Mỹ tăng lên trong quí 2 và quí 3. Tuy nhiên, họ vẫn cho rằng có 60% xác suất Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới.
Theo nhà kinh tế trưởng Duncan, dữ liệu về lượng nhà mới xây và giá nhà ở Mỹ mạnh hơn dự kiến và điều này đang hỗ trợ nền kinh tế.
Khác với quan điểm của phần lớn các chuyên gia kinh tế, Hooper tin rằng chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ liên bang (Fed) giúp giảm nguy cơ suy thoái kinh tế. Ông giải thích, chiến dịch thắt chặt tiền tệ làm làm thay đổi các kỳ vọng lạm phát, giúp áp lực giả cả giảm bớt mà không làm suy giảm đáng kể nền kinh tế.
Các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát đang ngày càng lạc quan hơn khi lạm phát hạ nhiệt. Theo cuộc khảo sát trong tháng 7, họ dự báo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát yêu thích của Fed, tăng chậm lại còn 2,2% trong quí cuối cùng của năm 2024.
Họ cũng nhận định chỉ số PCE cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, có thể sẽ tăng ở mức vừa phải trong nửa đầu năm 2024
Cuộc khảo sát với 73 nhà kinh tế được Bloomberg thực hiện từ ngày 14 đến 17-9, sau khi báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 tăng chậm lại về mức thấp nhất trong hai năm. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư trên thị trường lãi suất tương lai đặt cược rằng đợt tăng lãi suất dự kiến của Fed trong cuộc họp vào tuần tới sẽ là lần tăng cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện tại.
Theo Bloomberg, Reuters