Chỉ số Xanh cấp tỉnh - thúc đẩy phát triển bền vững tại các địa phương
Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) lần đầu tiên được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố trong trong Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Chỉ số này được thực hiện với kỳ vọng khuyến khích các tỉnh, thành phố quan tâm hơn đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong quá trình thực hiện nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.
Kết quả khảo sát Chỉ số Xanh cấp tỉnh năm 2022 cho thấy, chất lượng môi trường của các địa phương cần được quan tâm cải thiện hơn, hơn một nửa số doanh nghiệp trên toàn quốc đánh giá chất lượng môi trường tại địa phương là tốt hoặc rất tốt. Tuy nhiên, 30% doanh nghiệp cho biết địa phương nơi họ hoạt động là “không ô nhiễm” hoặc chỉ “hơi ô nhiễm”. 37% doanh nghiệp cho biết không bị ảnh hưởng gì bởi ô nhiễm. Đáng lưu ý, 58% doanh nghiệp quan sát thấy hiện tượng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường là phổ biến tại địa phương.
Theo báo cáo, mặc dù nhìn chung các doanh nghiệp FDI tỏ ra hài lòng hơn về công tác quản trị môi trường tại địa phương, so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, song vẫn có một số lĩnh vực chưa được doanh nghiệp FDI đánh giá tích cực, như công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường và xử phạt các doanh nghiệp gây ô nhiễm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài có đánh giá tích cực hơn đối với công tác hướng dẫn về quy định pháp luật môi trường và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký - kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, điều tra Chỉ số này là sáng kiến quan trọng của VCCI để thúc đẩy quá trình phát triển bền vững tại cấp địa phương. Việc sàng lọc các dự án đầu tư theo định hướng môi trường; những sáng kiến hỗ trợ, thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp theo định hướng chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường cũng đến từ cấp tỉnh. Vì thế, vai trò của cấp tỉnh - bộ máy thực thi có ý nghĩa rất quan trọng.
“Để xây dựng Chỉ số xanh, chúng tôi có 4 chỉ số khác nhau gồm: bảo vệ môi trường; những chính sách hỗ trợ của địa phương cụ thể của địa phương theo hướng thực hành xanh; việc quản trị của các doanh nghiệp, rất quan trọng; đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu. Nhìn chung, chỉ số xanh tập trung vào theo định hướng thúc đẩy các tỉnh, thành phố theo định hướng vừa phát triển kinh tế, nhưng vẫn duy trì được vấn đề bảo vệ môi trường”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Trong lần đầu tiên được công bố, tỉnh Trà Vinh đứng đầu bảng xếp hạng, tiếp đến là Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Đà Nẵng. Theo chia sẻ từ lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, thời gian qua, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản đối với công tác bảo vệ môi trường. Cùng đó, đưa ra nhiều kế hoạch triển khai thực hiện, toàn hệ thống chính trị chú trọng công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Cụ thể như: kiểm tra thường xuyên công tác bảo vệ môi trường ở các khu kinh tế, khu công nghiệp; quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường, lấy kinh tế một cách đơn thuần, kiên quyết không đưa vào vận hành các dự án, cơ sở sản xuất chưa đáp ứng các yêu cầu về môi trường, chưa xây dựng hoàn thiện các công trình xử lý ô nhiễm môi trường.
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong nhiều năm qua, để phát triển bền vững, tỉnh kiên trì thực hiện phát triển công nghiệp xanh, sử dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Trong thu hút đầu tư, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn có sự chọn lọc để không làm tổn hại đến môi trường.
“Chúng tôi tập trung bảo vệ môi trường theo hướng có sử dụng đất đai và có tái tạo trồng rừng thay thế. Quá trình thu hút đầu tư quan tâm về môi trường, đặc biệt là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Chỉ thị từ những năm 2017 về thu hút đầu tư. Cụ thể đó là, phải thu hút đầu tư có chọn lọc, không thâm hụt lao động, không gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tiêu tốn ít nhiên liệu, không làm tổn hại đến môi trường”, ông Nguyễn Văn Thọ cho hay.
Là địa phương đứng thứ 3 cả nước về Chỉ số Xanh cấp tỉnh, trong đó đạt điểm số cao nhất trong Chỉ số "Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu", Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn chia sẻ, việc duy trì chỉ số xanh sẽ là mục tiêu trong phương hướng nhiệm vụ, thể hiện rõ trong quy hoạch tỉnh Bắc Ninh 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung này cũng sẽ được thể hiện bằng những kế hoạch, phương án rất cụ thể, ngoài giảm thiểu ô nhiễm môi trường, 3 chỉ số còn lại cũng sẽ được thực hiện một cách hiệu quả trong thời gian tới.
“Ngay sau khi công bố Chỉ số này, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị triển khai trong toàn bộ hệ thống chính trị và có sự tham gia vào doanh nghiệp và doanh nghiệp năm nay chúng tôi cũng đề xuất hiến kế để duy trì Chỉ số (PGI) - Chỉ số phát triển xanh - lần đầu tiên công bố và vị trí thứ hạng thứ 3 cũng thứ hạng mang tính chất động viên rất lớn. Chỉ số xanh mang thương hiệu của Bắc Ninh, cũng như thương hiệu hấp dẫn các nhà đầu tư, cũng như là cho người dân được hưởng thụ về chỉ số môi trường sẽ được nâng cao hơn nữa trong thời gian tới”, ông Vương Quốc Tuấn nói.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây tác động đến nhiều địa phương, việc áp dụng chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) vào tiêu chí đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Do đó, các địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi phương thức kinh doanh xanh hơn, thúc đẩy ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, đối với việc tiếp nhận các dự án đầu tư, cần có những đánh giá đa chiều về những ảnh hưởng lâu dài về môi trường. Qua đó, tạo động lực để tạo ra giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường./.