'Chỉ thị 16 không là thuốc tiên, cần người TP.HCM đồng lòng ngăn dịch'
'Chỉ thị 16 không phải liều thuốc tiên để đẩy lùi ngay Covid-19 mà chính sự hiểu đúng, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt mới mang lại kết quả', Phó bí thư Phan Văn Mãi nói.
Sau 44 ngày kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (từ 17/5), TP.HCM chính thức áp dụng Chỉ thị 16. Trước đó, TP.HCM đã 3 lần kéo dài hoặc thay đổi các biện pháp giãn cách xã hội. Cụ thể, thành phố đã trải qua 2 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 31/5 đến hết 18/6; từ 19/6 đến ngày 8/7, thành phố áp dụng Chỉ thị 10. Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao TP.HCM không áp dụng Chỉ thị 16 sớm hơn.
Trao đổi với Zing, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, giải thích việc Ban chỉ đạo đưa ra quyết định áp dụng Chỉ thị 16 thời điểm này.
Số ca dương tính tăng cao
Theo ông Phan Văn Mãi, việc áp dụng Chỉ thị 16 không chỉ là vấn đề lớn với thành phố mà còn tác động tới cả nước nên được cân nhắc kỹ lưỡng.
"Gần đây, tình hình phức tạp hơn, số ca dương tính tăng cao và có khả năng bùng phát mạnh nên thành phố quyết định áp dụng Chỉ thị 16", Phó trưởng Ban chỉ đạo cho hay.
Dịch có khả năng bùng phát mạnh nên thành phố quyết định áp dụng Chỉ thị 16.
Phó bí thư Phan Văn Mãi
Cụ thể, tại cuộc họp chiều tối 7/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tính riêng từ 6h ngày 6/7 đến 6h ngày 7/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã ghi nhận 1.693 ca nhiễm. Trong đó, 212 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện và 682 người đang được điều tra bổ sung thông tin, còn lại ở khu cách ly, phong tỏa.
TP.HCM đang phải điều trị cho 7.118 bệnh nhân. Trong đó 33 bệnh nhân nặng tại 11 bệnh viện và 8 trường hợp cần can thiệp ECMO.
Tính từ 27/4 đến sáng 8/7, TP.HCM đã ghi nhận tới 8.385 ca nhiễm - một con số kỷ lục trong cả 4 đợt dịch của Việt Nam.
Phó bí thư Phan Văn Mãi chia sẻ thành phố quyết tâm ngăn chặn, kiểm soát dịch trong đợt này.
"Muốn vậy, từng người, gia đình, cơ sở phải đồng tình, chịu khó thực hiện nghiêm, đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp y tế", ông Mãi kêu gọi người dân TP.HCM.
Đối với việc đi lại giữa TP.HCM và các tỉnh, Phó bí thư cho biết khi thực hiện Chỉ thị 16, người dân phải thực hiện theo quy định. Các địa phương cũng phải có sự phối hợp chung.
Từng người, gia đình, cơ sở phải đồng tình, chịu khó thực hiện nghiêm Chỉ thị 16
Phó bí thư Phan Văn Mãi
Theo đó, Chỉ thị 16 yêu cầu cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế hoạt động của các phương tiện cá nhân.
Chỉ thị này cho phép vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Các địa phương phải bãi bỏ ngay biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương không đúng với Chỉ thị 16 (nếu có).
Chiều tối 7/7, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng đã có cuộc họp khẩn với 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam, nhằm tạo điều kiện tối đa lưu thông hàng hóa thời gian TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16. Theo đó, tinh thần chung của các địa phương là hạn chế vận tải hành khách và tạo mọi điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa ra vào TP.HCM cũng như các địa phương phía nam.
Doanh nghiệp vận tải được yêu cầu chủ động tổ chức xét nghiệm cho nhân viên lái xe, phục vụ bốc xếp, tránh ùn ứ tại các trạm kiểm soát dịch bệnh do chờ xét nghiệm. Đội ngũ lái xe, thuyền viên, nhân viên phục vụ trên phương tiện cũng cần được ưu tiên tiêm vaccine. Xe vận chuyển chuyên gia, công nhân của doanh nghiệp phải đăng ký phương tiện, số lượng công nhân, lộ trình để các sở GTVT cấp phép và quản lý.
Cần người dân quyết tâm cùng thành phố chống dịch
Ngày TP.HCM công bố áp dụng Chỉ thị 16, Phó bí thư Thường trực Phan Văn Mãi nhấn mạnh điều quan trọng là cần có sự chung tay của hệ thống truyền thông và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở cơ sở phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà", nói cho từng người, từng nhà hiểu và thực hiện đúng.
"Bản thân Chỉ thị 16 không phải liều thuốc tiên để đẩy lùi ngay Covid-19 mà chính sự hiểu đúng, thực hiện nghiêm túc của người dân, và quyết liệt mới mang lại kết quả như mong muốn", ông nhận định.
Chỉ thị 16 không phải liều thuốc tiên để đẩy lùi ngay Covid-19 mà chính sự hiểu đúng, thực hiện nghiêm, quyết liệt mới có kết quả.
Phó bí thư Phan Văn Mãi
Người dân cần thực hiện nghiêm 5K: Đeo khẩu trang; thường xuyên khử khuẩn; giữ khoảng cách 2 m; không tập trung quá 2 người; khai báo y tế.
Các địa phương, các ngành cần quán triệt đầy đủ, sâu và tổ chức thực hiện triệt để tinh thần Chỉ thị 16 lần này, để sau 15 ngày, thành phố sẽ kiểm soát được tình hình.
"Không để kéo dài hơn nữa vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến đời sống nhân dân và kinh tế - xã hội thành phố là rất to lớn", Phó bí thư chia sẻ.
Lãnh đạo Thành ủy lưu ý thời gian tới, các địa phương và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cần quan tâm, tổ chức các hoạt động chăm lo người dân, không để ai bị đói hoặc khó khăn cùng cực.
Ngành chức năng và các địa phương cần tập trung làm tốt giải pháp ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị tích cực. Trong đó, thành phố tập trung nâng cao năng lực cách ly và điều trị phù hợp với tình hình dịch hiện nay.
"Thành phố đang tích cực tiếp cận thêm nguồn vaccine và tổ chức tiêm đạt kết quả tốt. Chúng tôi mong hệ thống chính trị, tổ chức cơ sở đảng và bà con nhân dân thành phố cùng quyết tâm, đồng lòng thực hiện nghiêm, đạt kết quả lần này để tình hình tốt hơn", Phó bí thư gửi thông điệp tới người dân.
Trước đó, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều tối 7/7, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã công bố áp dụng Chỉ thị 16 toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7.
Theo đó, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ (Grab, Be, GoJek...) tạm dừng hoạt động. Thành phố cũng đề nghị hạn chế hoạt động đường sắt, hàng không 2 tuần tới.
Ông Phong nhấn mạnh thành phố đã chuẩn bị đủ hàng hóa để cung ứng cho người dân và đề nghị người dân không tích trữ lương thực, thực phẩm, gây tập trung đông người tại các điểm mua, bán nhu yếu phẩm.