Chỉ thí điểm cơ chế đặc thù cho các dự án giao thông thực sự cần thiết, cấp bách
Chiều 27/10, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết này.
Thảo luận về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Đại biểu Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, cần bỏ danh mục tại Phụ lục số 01 kèm theo trong Nghị quyết này, bởi trên thực tế tất cả các dự án giao thông trọng điểm đều được hưởng cơ chế đầu tư PPP.
Ông Đinh Tiến Dũng lấy ví dụ Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, mặc dù đã triển khai thực hiện trước khi Nghị quyết ban hành nhưng đương nhiên được hưởng chính sách mới của Nghị quyết này. Cùng với đó, các dự án đầu tư PPP cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương triển khai thực hiện - quyết định toàn diện để hạn chế việc xin ý kiến các bộ, ngành - đi kèm với đó các các hướng dẫn, quy định của pháp luật.
Về cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét, quyết định việc phân bổ cụ thể cho các dự án này, Đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) tán thành với đề nghị Quốc hội sẽ chưa xem xét danh mục, mức vốn cụ thể đối với các dự án kèm theo Tờ trình của Chính phủ và không đính kèm theo Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.
Về quy định bổ sung mở rộng đối tượng áp dụng chính sách thí điểm đối với các dự án khác tại Dự thảo Nghị quyết ngoài các dự án đã có trong danh mục, Đại biểu Trung đề nghị Chính phủ cân nhắc quy định bổ sung mở rộng đối tượng, đảm bảo theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời tránh việc áp dụng cơ chế thí điểm cho nhiều dự án, vượt quá khung khổ phạm vi thí điểm được Quốc hội quyết định mà chưa có đánh giá tác động cụ thể về nguồn lực của nhà nước và năng lực, khả năng tổ chức triển khai của các địa phương.
Trong khi Nghị quyết thí điểm đến hết năm 2025, thời gian thí điểm không dài nên cần thiết xác định ngay các dự án đang vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tạo động lực phát triển. Sau thời gian thí điểm sẽ tổng kết để kiến nghị, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo thống nhất trong tổ chức thực hiện.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm là các dự án phải thực sự cần thiết, cấp bách, đáp ứng điều kiện, tiêu chí theo quy định, đã có đầy đủ thủ tục đầu tư, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Tuy nhiên, Dự thảo Nghị quyết chỉ quy định dự án có đề xuất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải và/hoặc UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương; đã xác định hoặc dự kiến được nguồn vốn đầu tư để có thể triển khai thực hiện dự án… thì sẽ rất rộng và chưa được rõ ràng, chưa bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.
Về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (Điều 7), Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Đoàn Lai Châu) cơ bản tán thành với đề xuất này nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thi công của một số dự án giao thông. Tuy nhiên, ngoài các nhà thầu, Chính phủ đề xuất bổ sung đối tượng áp dụng cơ chế này cho các nhà đầu tư. Đại biểu đề nghị làm rõ sự cần thiết áp dụng cơ chế này đối với các nhà đầu tư thực hiện dự án.
Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) chỉ rõ, nhà đầu tư, nhà thầu là 2 chủ thể khác nhau; có phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn... khác nhau. Do đó, việc Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản cần xem xét kỹ lưỡng; làm rõ việc áp dụng cơ chế này cho nhà đầu tư có gì khác so với khi áp dụng với nhà thầu thi công.
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Dự thảo Nghị quyết quy định nhà đầu tư, nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật... là chưa đủ. Thực tiễn cho thấy, việc khai thác khoáng sản tại một số địa phương đã để lại nhiều hậu quả, gây dư luận không tốt trong xã hội, các đơn vị không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết.
Vì vậy, Dự thảo Nghị quyết cần quy định chặt chẽ hơn. Ngoài quy định về đánh giá tác động môi trường, thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo môi trường..., phải có chế tài xử lý đối nhà đầu tư, nhà thầu thi công không thực hiện như cam kết để ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị này.
Chiều cùng ngày, QH thảo luận tại tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Trong đó, thảo luận về kiến nghị cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn đến hết năm 2024, Đại biểu Nguyễn Thành Trung chỉ rõ, theo báo cáo của Chính phủ, nhu cầu vốn để tiếp tục thực hiện và hoàn thành Dự án là 2.510 tỷ đồng. Đại biểu đề nghị làm rõ tính khả thi của nguồn vốn này. Do Quốc hội đã phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và năm 2021, theo đó đã xác định cụ thể những khoản được phép chuyển nguồn, những khoản giải ngân không hết mà không được chuyển nguồn sẽ bị hủy dự toán theo quy định.