Chỉ thị mới về triển khai thi hành một số luật, nghị quyết, pháp lệnh trong ngành Kiểm sát nhân dân
Viện trưởng VKSND tối cao vừa ban hành Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 30/6/2025 về triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Kịp thời khai thi hành các luật, nghị quyết, pháp lệnh
Chỉ thị nêu rõ: Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XV đã thông qua các luật, nghị quyết để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tổ chức bộ máy nhà nước, trong đó có các luật liên quan trực tiếp đến tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của VKSND, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Thanh tra (sửa đổi).
Đồng thời, Quốc hội đã thông qua các nghị quyết, gồm: Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết về việc thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công; Nghị quyết về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND, các luật tố tụng và luật khác có liên quan.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các pháp lệnh, nghị quyết, gồm: Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển, Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND và Pháp lệnh Chi phí tố tụng; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao về bộ máy làm việc của VKSND tối cao; Nghị quyết về việc thành lập VKSND cấp tỉnh, VKSND khu vực; quy định phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của VKSND khu vực.
Để kịp thời triển khai thi hành các luật, nghị quyết, pháp lệnh nêu trên trong ngành Kiểm sát nhân dân, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố, Viện trưởng VKSND khu vực khẩn trương tiến hành các nhiệm vụ được nêu tại Chỉ thị này.

Quang cảnh Hội nghị triển khai hoạt động của mô hình VKSND 3 cấp theo Luật Tổ chức VKSND năm 2025.
6 nội dung, nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ 6 nội dung, nhóm nhiệm vụ trọng tâm yêu cầu toàn Ngành khẩn trương triển khai thực hiện.
Thứ nhất, tổ chức quán triệt, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các luật, nghị quyết, pháp lệnh. Vụ 14 chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu lãnh đạo VKSND tối cao xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các luật, nghị quyết, pháp lệnh trong toàn Ngành.
Vụ 14 chủ trì, phối hợp với Văn phòng, Vụ 9, Vụ 15 và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn toàn diện các luật, nghị quyết, pháp lệnh cho Kiểm sát viên, Điều tra viên, công chức, viên chức của Viện kiểm sát các cấp để nắm vững các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy, cán bộ, chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
Viện kiểm sát quân sự Trung ương, VKSND tỉnh, thành phố, VKSND khu vực chủ động tổ chức tập huấn chuyên sâu các luật, nghị quyết, pháp lệnh cho Kiểm sát viên, Điều tra viên, công chức khác thuộc phạm vi quản lý.
Viện kiểm sát các cấp, các cơ quan báo chí của Ngành chủ động tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các luật, nghị quyết, pháp lệnh trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân bằng các hình thức, biện pháp phù hợp, đặc biệt chú trọng tuyên truyền, phổ biến những quy định mới về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Viện kiểm sát để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động; đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành và Nhân dân đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo quy định của các luật, nghị quyết, pháp lệnh mới.
Thứ hai: Xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện quy định của các luật, nghị quyết, pháp lệnh. Theo đó, Vụ 14, Vụ 9 và Vụ 15 chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết, pháp lệnh.
Các đơn vị thuộc VKSND tối cao trong phạm vi trách nhiệm của mình chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động rà soát các thông tư, thông tư liên tịch, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết, pháp lệnh do VKSND tối cao chủ trì để tham mưu giúp Viện trưởng VKSND tối cao, liên ngành tư pháp Trung ương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện bảo đảm phù hợp với các quy định mới của luật, nghị quyết, pháp lệnh.
Các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp chủ động rà soát các quy chế tổ chức và hoạt động, quy trình, hướng dẫn nghiệp vụ, hướng dẫn trong nội bộ Ngành liên quan đến các luật, nghị quyết, pháp lệnh để tham mưu giúp Viện trưởng VKSND tối cao sửa đổi, bổ sung hoàn thiện bảo đảm phù hợp với quy định mới của các luật, nghị quyết, pháp lệnh.
Viện kiểm sát các cấp chủ động rà soát các quy chế, quy định phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc các ngành hữu quan và cơ quan, tổ chức ở địa phương để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới, bảo đảm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của các luật, nghị quyết, pháp lệnh.
Thứ ba: Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy VKSND các cấp. Cụ thể, Vụ 15 chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc VKSND tối cao và các Viện kiểm sát cấp dưới sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự Viện kiểm sát các cấp đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyên sâu trong từng lĩnh vực công tác, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật, nghị quyết, pháp lệnh.
Các Viện Phúc thẩm, Vụ 7, Vụ 9, Vụ 10, Vụ 12 và VKSND cấp tỉnh chủ động chuyển giao, tiếp nhận nhiệm vụ sau khi kết thúc hoạt động của các VKSND cấp cao bảo đảm hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn.
VKSND cấp tỉnh và VKSND khu vực chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc chuyển giao, tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền giữa VKSND cấp tỉnh và VKSND khu vực, giữa VKSND khu vực và VKSND cấp huyện theo quy định mới của luật, nghị quyết, pháp lệnh.
Thứ tư: Sửa đổi, bổ sung mẫu hồ sơ, tài liệu, văn bản tố tụng, báo cáo; chỉ tiêu, biểu mẫu thống kê. Theo đó, Vụ 14, Văn phòng và các đơn vị nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các mẫu hồ sơ, tài liệu, văn bản tố tụng, các loại báo cáo để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định mới của các luật, nghị quyết, pháp lệnh; ban hành thống nhất mẫu hồ sơ, tài liệu, văn bản tố tụng, các loại báo cáo cho từng lĩnh vực công tác áp dụng trong toàn Ngành.
Cục 2 chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ án hình sự, số hóa hồ sơ, sử dụng chữ ký số trên văn bản tố tụng, thông báo văn bản tố tụng qua nền tảng số, phần mềm ứng dụng dùng chung triển khai tại Trung tâm dữ liệu quốc gia...; rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu, biểu mẫu thống kê bảo đảm phù hợp với quy định mới của các luật, nghị quyết, pháp lệnh.
Thứ năm: Biên soạn giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng. Theo đó, Trường Đại học Kiểm sát chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của VKSND tối cao rà soát, biên soạn, hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm phù hợp với quy định mới của các luật, nghị quyết, pháp lệnh.
Thứ sáu: Bảo đảm cơ sở vật chất và các điều kiện khác cho việc thi hành các luật, nghị quyết, pháp lệnh. Cục 3 chủ trì, phối hợp với VKSND các cấp xây dựng kế hoạch bảo đảm kinh phí cần thiết cho các hoạt động nêu tại Chỉ thị này để phục vụ việc triển khai thi hành các luật, nghị quyết, pháp lệnh.
Cục 3 chủ trì, phối hợp với Vụ 15 và các đơn vị, Viện kiểm sát địa phương tham mưu bố trí trụ sở làm việc cho các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND địa phương; đồng thời, có kế hoạch, lộ trình, phương án xây dựng trụ sở làm việc mới của VKSND cấp tỉnh, VKSND khu vực đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Về tổ chức thực hiện, Chỉ thị nêu: Yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND khu vực trực tiếp tổ chức thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm về việc triển khai thi hành các luật, nghị quyết, pháp lệnh trong ngành Kiểm sát nhân dân đạt hiệu quả tốt; Vụ 14 chủ trì, phối hợp với Văn phòng giúp Viện trưởng VKSND tối cao theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị, nếu phát sinh các vấn đề vướng mắc thì các đơn vị báo cáo VKSND tối cao (qua Vụ 14) để giải thích, hướng dẫn kịp thời.