Chỉ thị về định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 04/CT-TTg (ngày 7/2) về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.
Chỉ thị nêu rõ: Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là nội dung của Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn", Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy thay đổi nông thôn trên nhiều mặt, trong đó có lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc nông thôn.
Trên cơ sở văn bản quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch, kiến trúc nông thôn, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ và các cơ quan liên quan đã nghiêm túc thực hiện và triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tạo được sự chuyển biến rõ nét và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập, quản lý quy hoạch kiến trúc nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới đã đạt được thành tựu to lớn trong những năm qua làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn.
Tuy nhiên, tại các địa phương việc triển khai quy hoạch còn hạn chế, đặc biệt việc bảo vệ phát huy không gian kiến trúc truyền thống, bảo vệ di tích văn hóa lịch sử. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng ven đô, vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về mặt xã hội, văn hóa, lối sống ở nông thôn nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng.
Nhiều khu cận các đô thị phát triển một cách tự phát. Khu vực nông thôn, kiến trúc ngày càng mất bản sắc truyền thống, pha tạp, không phù hợp với cảnh quan tự nhiên, cấu trúc làng, xã và yêu cầu phòng chống thiên tai, các giá trị kiến trúc truyền thống chưa được chú trọng kế thừa và phát triển. Kiến trúc công trình công cộng, nhà ở theo tuyến và nhà ở phân tán không phù hợp với quy hoạch, địa hình tự nhiên, thiếu điểm nhấn, thiếu phân bố không gian hợp lý (giữa khu vực sản xuất, dân sinh, công trình công cộng, cây xanh).
Các không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống mang tính tín ngưỡng như đình làng, đền, chùa và các không gian phụ trợ như sân đình giếng làng, ao làng.... đang dần bị lấn chiếm do không gian ở và không gian sản xuất nghề truyền thống tạo nên.
Bên cạnh đó, sự biến đổi trên khá manh mún và tự phát. Đó là việc đầu tư xây dựng nhà ở, nhà xưởng sản xuất, nơi giới thiệu bán sản phẩm tại khu trung tâm,… thường không đồng bộ, hoàn chỉnh trong nhiều năm, dẫn đến phần lớn các không gian văn hóa làng truyền thống, trong quá trình phát triển, đã rơi vào tình trạng biến đổi cấu trúc, phá vỡ không gian.
Các hoạt động sang nhượng, cắt chia thửa đất ở cùng với "bê tông hóa" trong xây dựng nhà ở mới xen cấy tự phát trong làng xã truyền thống làm thay đổi cấu trúc không gian kiến trúc trong làng xã các dân tộc truyền thống phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, cấu trúc làng xã. Việc triển khai Luật Kiến trúc và Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam còn chậm, các văn bản pháp luật nhiều điểm chưa phù hợp thực tế cả về nội dung chuyên môn đến nguồn lực thực hiện.
Để nâng cao công tác quản lý, phù hợp và thể chế hóa định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về kiến trúc với mục tiêu là xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ thực hiện một số nhiệm vụ. Cụ thể:
Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cụ thể như: Soạn thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Nhà ở (sửa đổi); Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thông tư hướng dẫn về Quy hoạch chung xây dựng xã (sửa đổi) phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương trong công tác quy hoạch xây dựng và quản lý kiến trúc nông thôn trong giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường kiểm tra; thường xuyên rà soát, đánh giá việc lập và thực hiện quy hoạch để kịp thời khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết trong công tác quy hoạch xây dựng và quản lý kiến trúc nông thôn mới.
Tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, cập nhật các vấn đề mới để nội dung phù hợp với yêu cầu thực tiễn cho từng vùng nông thôn trong bảo tồn và tôn tạo di sản, di tích; kiến trúc cảnh quan điểm quần cư nông thôn; tiêu chuẩn nhà ở nông thôn mới và các nội dung khác có liên quan; nhấn mạnh các tiêu chuẩn quản lý chất lượng các công trình xây dựng và hạ tầng nông thôn mới.
Tiếp tục triển khai Luật Kiến trúc tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Kiến trúc; Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Nghiên cứu, bổ sung các thiết kế mẫu các công trình dịch vụ tiện ích cộng đồng, đặc biệt với các vùng miền đặc trưng, như: vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, thiểu số với rất nhiều khó khăn và đặc thù riêng. Nghiên cứu các mô hình nhà ở kết hợp với sản xuất, các yếu tố đặc thù riêng về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy hải sản, tiểu thủ công nghiệp… trên cơ sở các nghiên cứu khảo sát thực địa cụ thể và bài bản, bao quát trên diện rộng, ưu tiên trước vùng bị ảnh hưởng nhiều về thiên tai theo chỉ đạo của trung ương.
Nghiên cứu và đề xuất các mẫu kiến trúc nhà ở vùng nông thôn, trong đó tập trung vào các mẫu nhà có quy mô vừa và nhỏ, khai thác tốt nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, ứng dụng được những công nghệ và vật liệu mới giúp giảm giá thành xây dựng phù hợp với khả năng kinh tế của đại bộ phận người dân nông thôn. Hướng tới các mẫu nhà hiện đại, tiệm cận với các tiêu chuẩn sống của đô thị, nhưng kế thừa các nét kiến trúc truyền thống tiêu biểu và đặc biệt bền vững, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng trực tiếp hỗ trợ các địa phương khó khăn trong việc triển khai quy hoạch xây dựng nông thôn (quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn). Nghiên cứu, hướng dẫn điều chỉnh một số chỉ tiêu quy hoạch phù hợp hơn (khoảng cách nghĩa trang, bãi rác thải đến điểm dân cư; nhà văn hóa thôn…).
Hướng dẫn cải tạo chỉnh trang nhà ở, tạo dựng được bộ mặt nông thôn mới tại các xã, thôn, ấp; cách tính chi phí lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới đối với địa phương.
Phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT đề xuất giải pháp quy hoạch bảo vệ điểm dân cư nông thôn trong vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi có địa hình chia cắt mạnh. Nâng cao hiệu quả của quy hoạch xây dựng nông thôn trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; lồng ghép các yếu tố kiến trúc cảnh quan nông thôn trong đồ án quy hoạch.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các cấp cần quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo công tác lập, thực hiện quy hoạch, quản lý kiến trúc trên địa bàn do mình quản lý.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển các yếu tố tạo đô thị trên địa bàn cấp huyện trên cơ sở tiềm năng của từng khu vực làm cơ sở hình thành các đô thị nhỏ trên địa bàn huyện. Phát triển các điểm dân cư tập trung có quy mô, có điều kiện sống như điều kiện sống của người dân đô thị tại các vùng có kinh tế phát triển từ mức trung bình trở lên. Khu vực ven đô cần được xác định rõ và có các giải pháp quy hoạch hòa hợp với không gian đô thị, giữ được bản sắc, khai thác tốt tiềm năng trong giai đoạn trước mắt, tránh lãng phí trong đầu tư trong xây dựng.
Quy hoạch, bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái nước mặt phục vụ mục tiêu thoát nước, kết hợp xử lý nước thải, tạo cảnh quan, vui chơi giải trí và các hoạt động khác.
Hướng dẫn các địa phương thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn nông thôn (tập trung, phi tập trung) phù hợp với đặc thù của các địa phương.
Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác lập quy hoạch xây dựng xã, đầu tư xây dựng nông thôn gắn với quá trình phát triển đô thị; đến năm 2030, đạt tối thiểu 80% điểm dân cư nông thôn tại trung tâm các xã được ban hành Quy chế quản lý kiến trúc theo định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030.
Nâng cấp các dịch vụ đô thị ở khu vực nông thôn theo hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn của đô thị để hỗ trợ quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế. Nghiên cứu quy hoạch bố trí các điểm dân cư nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng công nghiệp dịch vụ và phát triển đô thị ở các vùng.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình về nhà ở nông thôn trên địa bàn; cân đối vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở.
Tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động để người dân hiểu rõ và hưởng ứng tham gia các chính sách, đặc biệt là việc người dân tự nguyện vay vốn để làm nhà ở. Đồng thời phải kết hợp, lồng ghép các chương trình giúp đỡ, hỗ trợ về nhà ở của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn vào chương trình hỗ trợ chung để đảm bảo sự hỗ trợ công bằng, nhất quán, góp phần nâng cao chất lượng nhà ở của người dân.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Chỉ thị này, hoàn thành trong quý II/2023. Định kỳ 6 tháng, hàng năm, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị về Bộ Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ...