Trước tình trạng phải dừng hoạt động do không đạt yêu cầu trong công tác PCCC, nhiều quán karaoke tại Hà Nội quyết định đầu tư lại cơ sở vật chất và thiết bị liên quan để khắc phục với mong muốn sớm được mở cửa trở lại.
Tại quán karaoke ở số 171 Quan Hoa (quận Cầu Giấy), từ khoảng 2 tuần nay, các công nhân đã bắt đầu tháo dỡ các loại vật liệu trang trí cũ để sửa sang thay thế bằng vật liệu trang trí chống cháy nổ, đảm bảo theo quy định. Trước đó, quán karaoke này đã phải dừng hoạt động từ đầu tháng 8/2022 do chưa đủ điều kiện đảm bảo phòng cháy, chữa cháy.
Tại một quán karaoke khác có địa chỉ tại số 202 đường Trung Kính (quận Cầu Giấy), việc sửa chữa, cải tạo đã được tiến hành từ 5 tháng nay. "Một số hạng mục bên trong tòa nhà phải đập bỏ mới có thể xây dựng được hệ thống phòng cháy chữa cháy đảm bảo theo yêu cầu”, ông Thủy, quản lý quán karaoke, cho biết.
Cũng theo ông Thủy, cơ sở này phải bổ sung khu vực dành cho lối tiếp cận cứu hộ, cứu nạn trên cao nhằm phục vụ chữa cháy, cứu nạn được quy định tại tiểu mục 6.3 mục 6 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình ban hành kèm theo Thông tư 02/2021/TT-BXD.
Được biết, hệ thống quán cũ có 20 phòng hoạt động, mỗi tầng gồm 3 phòng, mỗi phòng có diện tích 40 m2. Sau khi đập đi xây lại, diện tích mỗi phòng được thu hẹp lại còn 28 m2 để dành không gian cho khu vực lối tiếp cận cứu hộ, cứu nạn trên cao. Các loại vật liệu mới có tác dụng chống cháy và giấy kiểm định cũng được cơ sở này đầu tư.
Cầu thang thoát hiểm ngoài trời được xây dựng mới nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.
Hệ thống họng nước chữa cháy tự động, báo cháy tự động là những yêu cầu bắt buộc theo Thông tư số 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an, quy định biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
Cũng theo thông tư trên, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke phải đảm bảo phương tiện liên quan như bình chữa cháy, phương tiện cứu người. Theo đó, công trình cao từ 25 m trở lên và diện tích lớn hơn 50 m2 trên một tầng phải trang bị tối thiểu một bộ dây thoát hiểm tự cứu hoặc ống tụt.
“Mọi cơ sở vật chất, hệ thống cũ đều phải phá bỏ để xây lại mới hoàn toàn. Theo kế hoạch, chúng tôi phải bỏ thêm hàng tỷ đồng để đầu tư cho cả hệ thống mới”, ông Thủy chia sẻ. Sau khi bị thu hồi giấy phép hoạt động một tháng, cơ sở này bắt đầu lên kế hoạch sửa sang, hoàn thiện để đạt yêu cầu PCCC.
Bên cạnh những quán karaoke sửa sang để đạt yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, nhiều cơ sở khác vẫn đang trong tình trạng đóng cửa, mặt trước trở thành nơi đỗ xe. Trước đó, hàng trăm chủ đầu tư quán karaoke tại Hà Nội đã cùng ký đơn kêu cứu khi đứng trước bờ vực phá sản vì phải tạm dừng hoạt động do liên quan đến công tác PCCC.
Tình cảnh bi đát của chủ quán karaoke ở Hà Nội Trải qua 5 tháng đóng cửa, nhiều chủ quán karaoke tại Hà Nội đã hoặc sắp phá sản. Họ đề nghị nhà chức trách tạo điều kiện, xem xét lại các kết luận liên quan phòng cháy chữa cháy.
Thụy Trang