Chi tiết các khoản vay mua, xây nhà sắp được giảm hệ số rủi ro
Hệ số rủi ro của một số khoản vay bất động sản như nhà ở xã hội, bất động sản khu công nghiệp ... sẽ được điều chỉnh giảm hệ số rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Thông tư 22/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Theo đó Thông tư mới điều chỉnh bổ sung một số khái niệm, quy định trong Thông tư 41, trong đó yếu tố đáng chú ý nhất là hệ số rủi ro tín dụng (CRW) với một số khoản vay.
Đối với các khoản vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà, xây nhà theo chương trình, dự án hỗ trợ của chính phủ, hệ số rủi ro trong thông tư mới được điều chỉnh xuống tối đa là 50%, tương ứng tỷ lệ đảm bảo (LTV) từ 100% trở lên và tỷ lệ thu nhập (DSC) trên 35%. Hệ số rủi ro tối thiểu là 20%, ứng với LTV dưới 40% và DSC dưới 35%.
Với những trường hợp cho vay mua nhà còn còn lại, hệ số rủi ro được giữ nguyên trong khoảng từ 25% đến 100% như trong Thông tư 41, tùy vào tỷ lệ LTV và DSC.
Ngoài ra, Thông tư 22 điều chỉnh hệ số rủi ro tín dụng được áp dụng đối với tài sản là khoản cấp tín dụng chuyên biệt dưới hình thức cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp xuống 160%. Trong thông tư trước đây, hệ số rủi ro được quy định chung ở mức 200% đối với tất cả các khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản.
Đồng thời, Thông tư 22 bổ sung thêm hệ số rủi ro cho các khoản vay phục vụ mục đích phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ ở mức 50%. Trước đây, hệ số rủi ro của lĩnh vực này không được quy định riêng.
Thông tư 22 đã quy định ngân hàng là bên nhận chuyển giao bắt buộc và các tổ chức tín dụng khác được áp dụng hệ số rủi ro 0% đối với các khoản cho vay, bảo lãnh, tiền gửi tại bên được chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.