Chi tiết mức phạt với lái xe, lái tàu khi uống rượu bia

Theo quy định mới của Nghị định 100/2019-thay thế Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, từ ngày 1/1/2020, mức phạt đối với tài xế ô tô, lái tàu vi phạm nồng độ cồn, tăng gấp nhiều lần.

Từ nay, tài xế dù sử dụng 1 chút rượu, bia cũng bị phạt rất nặng.

Từ nay, tài xế dù sử dụng 1 chút rượu, bia cũng bị phạt rất nặng.

Với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ

Theo Nghị định 100/2019, người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác bị phạt từ 80 – 100 nghìn đồng nếu điều khiển xe trên đường trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 200 – 300 nghìn đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ trên đường trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 400 – 600 nghìn đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ trên đường trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

Theo quy định trước đây, những hành vi trên của người điều khiển xe đạp, xe thô sơ không bị xử phạt.

Với người điều khiển xe máy

Với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy (Điều 6):

Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng (trước đây chưa xử phạt lỗi này).

Phạt tiền từ 4 – 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 - 18 tháng (trước hành vi này bị phạt từ 1-2 triệu đồng).

Phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn; Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy. Đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (trước đây chỉ phạt 3-4 triệu đồng).

Với người điều khiển ô tô và xe tương tự ô tô

Phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng (trước đây chỉ bị phạt từ 2-3 triệu đồng).

Phạt tiền từ 16 – 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 - 18 tháng (trước đây chỉ bị phạt từ 7-8 triệu đồng).

Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; Có chất ma túy hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy. Đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (trước đây bị phạt từ 16-18 triệu đồng).

Với tài xế máy kéo, xe máy chuyên dùng

Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 10 - 12 tháng (trước đây chỉ phạt 300-400 nghìn đồng).

Phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 16 - 18 tháng (trước chỉ bị phạt 2-3 triệu đồng).

Phạt tiền từ 16 – 18 triệu đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn; Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 22 - 24 tháng (trước đây chỉ phạt 5-7 triệu đồng).

Với đường sắt

Phạt tiền từ 2 – 4 triệu đồng đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (quy định cũ chỉ phạt 500.000 – 1 triệu đồng).

Phạt từ 4 – 6 triệu đồng đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Phạt từ 6 – 8 triệu đồng đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra; Khi làm nhiệm vụ mà trong cơ thể có chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng. Theo quy định trước đây, chỉ phạt từ 2-3 triệu đồng.

Đối với lái tàu, phụ lái tàu: Phạt tiền từ 6 - 8 đồng đối với lái tàu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái tàu từ 3 - 5 tháng (trước đây chỉ phạt 3-5 triệu).

Phạt tiền từ 16 - 18 đồng với lái và phụ lái tàu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái tàu từ 10 - 12 tháng (trước đây phạt từ 8-10 triệu đồng).

Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng với lái và phụ lái tàu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra; trong cơ thể có chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng. Đồng thời tước quyền sử dụng Giấy phép lái tàu từ 22 - 24 tháng (trước đây phạt từ 10-15 triệu đồng).

Lê Hữu Việt

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/chi-tiet-muc-phat-voi-lai-xe-lai-tau-khi-uong-ruou-bia-1505410.tpo