Chi tiết thủ tục đính chính sổ đỏ khi sáp nhập tỉnh, thành
Người dân không bắt buộc phải làm sổ đỏ đã cấp sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính, trừ trường hợp có nhu cầu. Sau khi sáp nhập tỉnh thành, muốn đính chính thông tin trên sổ đỏ, người dân cần lưu ý những thủ tục và hồ sơ sau đây.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành công văn hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và tổng hợp số liệu diện tích tự nhiên khi sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo đó, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính thì không bắt buộc phải thực hiện chỉnh lý đồng loạt Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đã cấp, trừ trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu hoặc thực hiện đồng thời với thủ tục hành chính về đất đai.
Tuy nhiên, khi phát sinh các thủ tục hành chính về đất đai, người sử dụng đất có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện chỉnh lý, cập nhật thông tin trên sổ đỏ để bảo đảm tính thống nhất, tạo thuận lợi trong quá trình giao dịch và sử dụng đất sau này.

Người dân thực hiện thủ tục đất đai tại một Văn phòng đăng ký đất đai ở Hà Nội. Ảnh: Hồng Khanh
Đính chính sổ đỏ khi sáp nhập tỉnh thành thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 45 Nghị định 101/2024, hồ sơ cần chuẩn bị khi thực hiện đính chính thông tin địa chỉ trên sổ đỏ gồm:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất.
- Giấy chứng nhận đã cấp.
- Giấy tờ liên quan đến việc đính chính giấy chứng nhận do sáp nhập.
- Giấy ủy quyền có công chứng/chứng thực (nếu thực hiện thủ tục thông qua người đại diện).
Về việc nộp hồ sơ, trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện sổ đỏ đã cấp có sai sót, sẽ thông báo và yêu cầu người dân nộp lại bản gốc giấy chứng nhận để đính chính.
Nếu người dân phát hiện sai sót, hồ sơ được nộp tại Bộ phận Một cửa theo quy định, Văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh văn phòng. Cơ quan tiếp nhận sẽ cấp giấy hẹn và chuyển hồ sơ đến đơn vị có thẩm quyền xử lý.
Thời gian thực hiện
Theo khoản 8, khoản 10 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, thời gian thực hiện đính chính Giấy chứng nhận đã cấp là không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Thời gian trên không tính thời gian cơ quan thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính, thời gian xem xét xử lý trường hợp đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định, niêm yết công khai, đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng, thời gian để thực hiện thủ tục chia thừa kế...
Đối với các xã ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thì tăng thêm 10 ngày làm việc.
Mẫu đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất: