Chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm 2023 gần chạm mức kỷ lục

Al Jazeera ngày 13-2 dẫn báo cáo vừa được công bố của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh) cho biết, chi tiêu quốc phòng toàn cầu đã tăng 9% lên gần mức kỷ lục 2,2 nghìn tỷ USD vào năm 2023.

Dự kiến trong năm 2024, chi tiêu quốc phòng toàn cầu tiếp tục gia tăng, trong bối cảnh tiếp diễn xung đột Israel-Hamas, xung đột Nga-Ukraine cũng như căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Báo cáo của IISS cũng đề cập đến tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng ở Bắc Cực, leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, cũng như sự trỗi dậy của các chế độ quân sự ở khu vực Sahel của châu Phi là những nguyên nhân góp phần đưa thế giới bước vào “một môi trường an ninh nhiều biến động”, buộc các quốc gia phải tăng cường bảo đảm quân sự, quốc phòng. “Tình hình an ninh hiện nay báo trước những gì có thể sẽ là một thập kỷ nguy hiểm hơn… Một kỷ nguyên bất an đang thiết lập lại bối cảnh công nghiệp quốc phòng toàn cầu, với việc Mỹ và châu Âu tăng cường sản xuất tên lửa và đạn dược sau nhiều thập kỷ thiếu chú trọng đầu tư”, báo cáo nêu rõ.

 Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cùng quan chức quân sự Iran thăm một triển lãm của ngành Hàng không vũ trụ Iran tại thủ đô Tehran (Iran), tháng 9-2023. Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cùng quan chức quân sự Iran thăm một triển lãm của ngành Hàng không vũ trụ Iran tại thủ đô Tehran (Iran), tháng 9-2023. Ảnh: REUTERS

IISS công bố báo cáo trên chỉ vài ngày sau khi ứng cử viên dẫn đầu Đảng Cộng hòa của Mỹ Donald Trump cho biết, ông đã nói với lãnh đạo một thành viên Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng ông sẽ “khuyến khích” Nga làm “bất cứ điều gì họ muốn” ở một quốc gia thành viên NATO nếu quốc gia đó không đáp ứng các nghĩa vụ tài chính đối với liên minh quân sự này: “Anh sẽ phải thanh toán cho các hóa đơn của chính mình”, ông Donald Trump tuyên bố tại một cuộc vận động tranh cử ở bang Nam Carolina (Mỹ) hồi tuần trước.

Chi tiêu quốc phòng toàn cầu cũng được thúc đẩy do căng thẳng gia tăng ở châu Á, nơi các nước đang tự trang bị vũ khí để nâng cao năng lực phòng thủ, đồng thời cũng do nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm công nghệ hiện đại như máy bay không người lái (UAV) và hệ thống định vị toàn cầu (GPS).

IISS cho hay, bài học rút ra từ cuộc chiến ở Ukraine đang bắt đầu ảnh hưởng đến kế hoạch quốc phòng ở các quốc gia khác, trong đó nhiều nước nhận ra cần tăng cường sản xuất khí tài quân sự và xây dựng kho dự trữ vũ khí lớn hơn trong trường hợp buộc phải tham gia một cuộc chiến kéo dài.

HẢI LÊ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/chi-tieu-quoc-phong-toan-cau-nam-2023-gan-cham-muc-ky-luc-765014