Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt: Tiện lợi, an toàn
Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tích cực phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh triển khai chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt trong chi trả an sinh xã hội (ASXH) cho đối tượng người có công, thân nhân người có công và đối tượng bảo trợ xã hội khác đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ số hiện đại.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 3.500 đối tượng người có công, thân nhân người có công với cách mạng và trên 30.900 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng. Trong đó, đã có trên 1.000 người có công và trên 700 đối tượng bảo trợ xã hội có tài khoản ngân hàng. Thực hiện chỉ đạo của trung ương và của tỉnh về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội (ASXH) không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những lợi ích từ việc nhận trợ cấp không dùng tiền mặt, các quy trình, thủ tục mở tài khoản.
Ông Đàm Văn Chính, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Xác định việc thực hiện chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt đối với người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu mang lại tiện ích tốt nhất cho người dân, từ năm 2023 đến nay, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội và người có công tới UBND các huyện, thành phố; chỉ đạo phòng LĐTB&XH-DT các huyện phối hợp với chính quyền cơ sở thực hiện thu thập, cập nhật thông tin tài khoản hỗ trợ chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách ASXH; phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền chi trả không dùng tiền mặt qua tài khoản ngân hàng…
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) là đơn vị điển hình triển khai dịch vụ thẻ đối với khách hàng được hưởng chính sách ASXH. Ông Đinh Mạnh Tranh, Phó Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Để triển khai hiệu quả, chi nhánh đã chỉ đạo Agribank các huyện, thành phố phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cho đối tượng người có công, thân nhân người có công, đối tượng bảo trợ xã hội về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó, giúp người dân tiết kiệm thời gian, quản lý chi tiêu dễ dàng, đa dạng hóa các phương thức thanh toán, mang lại nhiều thuận tiện cho khách hàng. Nhờ đó, đến nay, chi nhánh đã phát hành 532 tài khoản ngân hàng cho các đối tượng hưởng trợ cấp ASXH. Thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn của các huyện, thành phố để phát hành miễn phí trên 500 thẻ ATM cho các đối tượng người có công, thân nhân, đối tượng bảo trợ xã hội.
Ông Hà Văn Uyên, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Tôi năm nay hơn 80 tuổi, là thương binh hạng 2/4. Trước đây, tôi phải ra bưu điện để nhận tiền chi trả trợ cấp hằng tháng, do vấn đề sức khỏe nên hầu như lúc nào cũng phải nhờ con cháu đưa đi, rất bất tiện. Năm 2024, được cán bộ Phòng LĐ-TB&XH thành phố hướng dẫn, tôi đã đăng ký mở tài khoản ngân hàng để nhận chi trả trợ cấp. Tôi thấy rất tiện lợi, tiết kiệm thời gian.
Không chỉ ông Uyên, thời gian qua, nhiều đối tượng là người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh được chi trả trợ cấp hằng tháng qua tài khoản ngân hàng. Đến nay, đã có 996 người có công, thân nhân người có công và 724 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được chi trả trợ cấp hằng tháng qua tài khoản.
Tham gia chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng, người dân thuộc diện được hưởng chính sách trợ cấp ASXH sẽ đảm bảo được nhận trợ cấp đầy đủ, công tác chi trả được thực hiện nhanh chóng, an toàn, bảo mật, tiết kiệm chi phí đi lại cho người được hưởng trợ cấp. Đồng thời, công tác chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt còn giúp cho các đơn vị, tổ chức thanh quyết toán, giảm chi phí, giảm rủi ro trong vận chuyển tiền mặt, tăng tính minh bạch trong quản lý chi trả.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, việc chi trả ASXH không dùng tiền mặt đã có chuyển biến tích cực, tạo thuận lợi, tiện ích cho đối tượng là người có công, thân nhân và đối tượng bảo trợ xã hội, đồng thời, đảm bảo an ninh, an toàn tiền tệ cho đơn vị chi trả.