Chi trả cổ tức của doanh nghiệp lớn toàn cầu lên mức cao kỷ lục
Các khoản chi trả cổ tức đặc biệt đã thúc đẩy cổ tức của các doanh nghiệp đại chúng lớn nhất toàn cầu lên mức cao kỷ lục trong quí 1-2023. Cổ đông của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, dầu mỏ, ô tô nhận được các mức chi trả cổ tức hào phóng nhất trong quí vừa qua.
Chỉ số cổ tức toàn cầu Janus Henderson, theo dõi cổ tức của 1.200 công ty đại chúng có vốn hóa lớn nhất thế giới, công bố hôm 24-5, cho thấy tổng chi trả cổ tức trong quí 1 đạt mức cao kỷ lục 326,7 tỉ đô la Mỹ. Chỉ số này do Công ty quản lý tài sản Janus Henderson thiết lập. Các doanh nghiệp Mỹ đóng góp khoảng 50% trong tổng chi trả cổ tức nói trên.
Cổ tức toàn cầu thiết lập kỷ lục mới một phần là nhờ giá trị các khoản cổ tức đặc biệt một lần trong quí đầu tiên tăng lên mức cao nhất trong 9 năm. Cổ tức đặc biệt là khoản chi trả cho cổ đông ngoài chu kỳ chi trả thông thường. Ngoài ra, các ngân hàng. công ty dầu mỏ và nhà sản xuất ô tô lớn trên toàn cầu cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng cổ tức toàn cầu.
Cổ tức đặc biệt đạt 28,8 tỉ đô la trên toàn cầu trong quí 1, cao nhất kể từ quí 1-2014 khi hãng viễn thông Vodafone (Anh) bán 45% cổ phần nắm giữ ở Verizon Wireless, nhà cung cấp dịch vụ mạng không dây ở Mỹ với giá 130 tỉ đô la Mỹ và chia cổ tức lớn cho cổ đông.
Janus Henderson cho biết các khoản thanh toán từ hai nhà sản xuất ô tô Ford Motor (Mỹ) và Volkswagen (Đức) chiếm gần 1/3 cổ tức đặc biệt toàn cầu trong quí vừa qua.
Volkswagen đã sử dụng số tiền huy động được trong thương vụ chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) đối với thương hiệu xe sang Porsche để chi trả cổ tức đặc biệt tổng cộng 6,3 tỉ đô la. Janus Henderson cho biết cổ tức đặc biệt một lần của các lĩnh vực như vận tải, dầu mỏ và phần mềm cũng khá lớn.
Sự gia tăng cổ tức phản ánh tính bền vững của thu nhập doanh nghiệp ngay cả khi thị trường chứng khoán trên toàn thế giới sụt giảm do tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá năng lượng cao và lãi suất tăng.
Trong quí đầu tiên của năm nay, mức chi trả cổ tức của ngành khai khoáng giảm mạnh do giá cả hàng hóa giảm. Tuy nhiên, sự sụt giảm này được bù đắp bởi mức chia cổ tức lớn hơn của các ngân hàng và các tập đoàn mỏ. Trên toàn cầu, 95% công ty đại chúng lớn tăng mức trả cổ tức hoặc giữ cố định trong quí 1, theo Janus Henderson.
Ben Lofthouse, người đứng đầu bộ phận thu nhập vốn cổ phần toàn cầu của Janus Henderson, cho biết mức tăng trưởng cổ tức mạnh mẽ trong quí đầu tiên là rất ấn tượng vì năm 2022 là một năm khó khăn của nền kinh tế toàn cầu với lạm phát cao, lãi suất tăng, xung đột Nga-Ukraine, và phong tỏa kiểm soát Covid-19 ở Trung Quốc.
Janus Henderson dự báo tăng trưởng cổ tức trong toàn bộ 2023 sẽ chậm lại rõ rệt so với hai năm trước do nền kinh tế thế giới giảm tốc và lợi nhuận doanh nghiệp sa sút. Lạm phát, lãi suất cao hơn và điều kiện tài chính chặt chẽ hơn sẽ làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
“Do đó, triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp đang chịu áp lực và điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng cổ tức trong thời gian tới”, Lofthouse nhận định.
Tuy nhiên, châu Âu sẽ là một điểm sáng hiếm hoi. Janus Henderson dự báo cổ tức của các doanh nghiệp lớn ở châu Âu sẽ tăng trưởng mạnh trong quí 2.
Janus Henderson dự báo cổ tức của doanh nghiệp lớn trên toàn cầu sẽ tăng 5% lên 1,64 nghìn tỉ đô la trong năm 2023. Doanh nghiệp ngân hàng và dầu mỏ có thể nằm trong số những doanh nghiệp chi trả cổ tức lớn nhất trong năm nay. Daniel Peris, nhà quản lý quỹ của Federated Hermes dự đoán doanh nghiệp lớn bao gồm các tập đoàn công nghệ sẽ tăng mức chia cổ tức để thu hút các nhà đầu tư trong môi trường kinh doanh khó khăn hơn.
Mark Donovan, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao của Boston Partners, cho rằng việc các công ty tăng chi trả cổ tức cho thấy ban lãnh đạo của đã cân nhắc kỹ lợi ích của việc sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư và việc chi trả cổ tức cho cổ đông.
“Lĩnh vực năng lượng là một ví dụ điển hình. Trong nhiều năm, giới lãnh đạo của các tập đoàn dầu mỏ đã thận trọng về việc sử dụng lợi nhuận để đầu tư sau khi nhiều dự án mang lại lợi nhuận thấp, gây áp lực lên giá cổ phiếu. Họ nhận ra rằng tăng cổ tức và tăng mua cổ phiếu quỹ là cách tốt hơn để mang lại giá trị cho cổ đông và cuối cùng là giữ ghế của họ”, Donovan nói.
Theo Janus Henderson, 1/3 trong số 9,8 tỉ cổ tức đặc biệt mà các doanh nghiệp lớn ở Mỹ trả cho cổ đông trong quí 1 đến từ lĩnh vực dầu mỏ.
Theo Financial Times, Barron’s