Chi trả dịch vụ môi trường rừng: 'Bệ đỡ' giữ vững an ninh rừng tại Khu BTTN Xuân Liên
Hiện nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên được giao quản lý 24.728,6 ha diện tích rừng. Trong đó, rừng đặc dụng 23.816,23 ha, rừng sản xuất 912,37 ha. Diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) khoảng 24.200 ha thuộc lưu vực của các Nhà máy thủy điện Cửa Đạt, Dốc Cáy, Xuân Minh, Bái Thượng. Khu BTTN Xuân Liên đã triển khai công tác giao khoán bảo vệ rừng theo chương trình chi trả DVMTR cho các cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn 5 xã vùng đệm của khu bảo tồn. Để triển khai chính sách, Khu BTTN Xuân Liên đã xây dựng hồ sơ thuyết minh, bản cam kết bảo vệ rừng với các cá nhân, cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng, đồng thời, ký hợp đồng giao khoán để thực hiện công tác bảo vệ rừng.
Lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Xuân Liên cùng với tổ bảo vệ rừng tăng cường tuần tra, góp phần giữ vững an ninh rừng.
Từ năm 2013 đến năm 2021, Khu BTTN Xuân Liên đã chi trả tiền DVMTR với tổng số tiền 22.552,008 triệu đồng cho cá nhân, cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng. Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, các thôn, bản đã xây dựng mới và nâng cấp được 12 nhà văn hóa; xây dựng hơn 5km hàng rào khu chăn thả gia súc có kiểm soát; xây mới, sửa chữa 2km kênh mương nội đồng; làm hơn 20km đường làng, ngõ xóm tại các thôn bản; sửa chữa hệ thống loa phát thanh; tạo quỹ nguồn vốn vay phát triển kinh tế cho các hộ nghèo tại thôn bản.
Thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR tại Khu BTTN Xuân Liên đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hiện nay, diện tích rừng đều được người dân địa phương tham gia bảo vệ, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng giảm dần qua các năm. Riêng năm 2022, tại Khu BTTN Xuân Liên không xảy ra vi phạm Luật Lâm nghiệp. Thu nhập bình quân của người dân tăng lên hàng năm, đời sống ngày càng được cải thiện, góp phần cùng chính quyền địa phương trong công tác giảm nghèo.
Cộng đồng dân cư thôn Hang Cáu, xã Vạn Xuân nhận khoán bảo vệ rừng hơn 1.400 ha rừng đặc dụng với Khu BTTN Xuân Liên. Để công tác bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao, thôn Hang Cáu đã họp bàn và thống nhất xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng. Trong hương ước của thôn quy định cụ thể trách nhiệm của từng thành viên trong việc tuần tra, bảo vệ rừng, tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng; quy định về việc xử phạt các hành vi phá rừng. Từ diện tích rừng được giao bảo vệ, mỗi năm thôn Hang Cáu được chi trả trên 200 triệu đồng tiền DVMTR.
Ông Lê Văn Hồng, Bí thư kiêm Trưởng bản Hang Cáu cho biết: Trước đây, nhận thức của người dân về công tác bảo vệ rừng còn hạn chế, thường hay vào rừng chặt củi, lấn chiếm đất rừng làm nương. Nhưng từ khi cộng đồng dân cư thôn Hang Cáu tham gia nhận khoán bảo vệ rừng với Khu BTTN Xuân Liên, được nhận tiền chi trả DVMTR, người dân có ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng. Cùng với đó, thôn Hang Cáu chủ động đưa công tác phát triển, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng vào hương ước, quy ước của bản, được người dân hưởng ứng đã thành lập tổ tuần tra bảo vệ rừng. Vì vậy, diện tích rừng của thôn Hang Cáu nhận khoán được giữ vững và đang trên đà phát triển.
Ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên cho biết: Chính sách chi trả DVMTR đã tạo ra điều kiện thuận lợi nhất trong việc huy động nguồn nhân lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hiện nay, hệ thống tổ bảo vệ rừng của các thôn bản nhận khoán của Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên với hơn 300 thành viên, đây là một lực lượng quan trọng trong tổ chức tuần tra, kiểm tra an ninh rừng, giảm áp lực về sự thiếu hụt biên chế trong khu bảo tồn, góp phần tích cực trong việc xã hội hóa công tác bảo vệ rừng và tạo ra mạng lưới bảo vệ rừng tại gốc. Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời chính sách chi trả DVMTR theo quy định của Nhà nước, Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hướng tới không còn tình trạng lấn chiếm, phá rừng. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân tham gia bảo vệ rừng.