Chi trả kịp thời, không để sót đối tượng

Qua gần 5 năm thực hiện Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu 9 đã giải quyết hưởng chế độ trợ cấp cho 45.788 trường hợp (số lượng khảo sát ban đầu là 31.533), với số tiền hơn 82 tỷ đồng.

Theo Đại tá Hồ Minh Phương, Phó chủ nhiệm chính trị Quân khu, Phó trưởng Ban chỉ đạo 24 (Ban chỉ đạo thực hiện công tác chính sách theo Quyết định số 49) Quân khu 9: “Xác định đây là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, được cả hệ thống chính trị hưởng ứng tích cực và sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội, Ban chỉ đạo 24 Quân khu và các tỉnh, thành phố, cấp ủy Đảng chính quyền các cấp đã quán triệt nghiêm túc Thông báo số 192-TB/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 95/CT-BQP của Bộ Quốc phòng về tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 49 của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan. Ban Chỉ đạo 24 Quân khu chỉ đạo các địa phương củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, hội đồng chính sách xã, phường, thị trấn đủ số lượng, đúng thành phần theo quy định. Bộ tư lệnh quân khu đã chọn 2 tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang làm điểm rút kinh nghiệm, sau đó các địa phương này chọn một huyện và mỗi huyện chọn từ một hoặc hai xã để tổ chức triển khai thực hiện. Với sự vào cuộc quyết liệt, chặt chẽ, đến nay các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu 9 đã chi trả kịp thời, chu đáo, đúng chế độ, không để xảy ra sai sót, khiếu nại.

 Cán bộ chính sách xã Phú Phong (Châu Thành, Tiền Giang) thăm hỏi gia đình bà Nguyễn Thị Ba, nhận chế độ theo Quyết định 49.

Cán bộ chính sách xã Phú Phong (Châu Thành, Tiền Giang) thăm hỏi gia đình bà Nguyễn Thị Ba, nhận chế độ theo Quyết định 49.

Tỉnh Tiền Giang là một trong những địa phương có nhiều người tham gia dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Theo khảo sát ban đầu, toàn tỉnh có 3.577 trường hợp và đến nay tỉnh đã đề nghị về quân khu giải quyết được 4.442 trường hợp, số tiền hơn 9 tỷ đồng (vượt 156,81%). Thiếu tá Nguyễn Hoàng Lộc, Trợ lý Chính sách, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Tiền Giang cho biết, phần lớn các đối tượng được thụ hưởng không còn các giấy tờ liên quan; hoặc do thời gian tham gia kháng chiến đã lâu, nay đã lớn tuổi nên nhiều trường hợp không còn nhớ rõ ngày, tháng, đi về, địa danh nơi làm nhiệm vụ, thân nhân không nắm chắc thông tin. Do đó, ngay sau khi có quyết định thực hiện Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang chỉ đạo, kiện toàn Ban Chỉ đạo 24 của tỉnh. Tỉnh ủy đã tổ chức triển khai hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ từ tỉnh đến các ấp, khu phố; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Song song đó, công tác hướng dẫn lập hồ sơ, tổ chức xét duyệt cũng được các cấp quan tâm chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ, nghiêm túc, đúng đối tượng, đảm bảo dân chủ, công khai đúng quy trình thủ tục. Việc chi trả chế độ và trao giấy chứng nhận được tổ chức thành các điểm tập trung, trang nghiêm, long trọng. Qua các đợt tổ chức chi trả, tỉnh Tiền Giang không có trường hợp nào trùng hưởng chế độ chính sách.

Bà Nguyễn Thị Ba, 73 tuổi, ấp Phú Thạnh, xã Phú Phong (Châu Thành, Tiền Giang) tham gia dân công hỏa tuyến từ năm 1968 đến 1972, được nhận chế độ trợ cấp vào cuối tháng 5-2018, chia sẻ: “Do tuổi cao nên tôi thường xuyên bị bệnh. Giờ đây nhận được tiền trợ cấp của Đảng, Nhà nước tôi mừng và rất biết ơn. Đặc biệt, nhờ có thẻ bảo hiểm y tế từ nay tôi sẽ được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, sức khỏe sẽ được quan tâm, chăm sóc tốt hơn”.

Qua trao đổi với Thiếu tá Hồ Xuân Bách, Trưởng ban Chính sách, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Cà Mau chúng tôi được biết, thời gian qua Ban chỉ đạo 24 các cấp trong toàn tỉnh đã thực hiện chặt chẽ việc rà soát, khảo sát, lập danh sách. Trên cơ sở tư liệu lưu trữ ở các cơ quan chức năng, tổ tư vấn cấp huyện, tổ giúp việc cấp xã đã xác định được các đợt tham gia dân công hỏa tuyến, cũng như số lượng người tình nguyện. Bên cạnh đó, Ban CHQS cấp huyện, thành phố còn chỉ đạo cho các Ban CHQS xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể hướng dẫn lập hồ sơ, tiếp nhận, thẩm định, xét duyệt, việc xác định thời gian không bị trùng lặp, sai sót. Qua 8 đợt, đến nay số đối tượng được chi trả của tỉnh là 3.597 trường hợp, với số tiền hơn 7 tỷ đồng.

Được hưởng trợ cấp, ông Đoàn Xuân Nghi, ấp 6, xã Khánh Hòa (U Minh, Cà Mau), vui mừng kể: “Năm 16 tuổi, tôi tình nguyện vào lực lượng dân công hỏa tuyến, phục vụ chuyển thương, tải đạn cho các đơn vị quân đội chiến đấu trên chiến trường U Minh. Nay được hưởng chế độ, tuy số tiền không lớn, nhưng niềm an ủi lớn nhất của tôi là được Đảng, Nhà nước cấp giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến. Tôi rất vui vì đã góp một phần công sức nhỏ bé vào sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”.

Theo quy định, người được hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định 49 sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế, tiền trợ cấp một lần, trợ cấp mai táng miễn phí và giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến. “Đạt được kết quả trên, là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng ủy - Bộ tư lệnh Quân khu, cấp ủy Đảng, chính quyền, cấp ủy, chỉ huy các cấp ở địa phương và sự chủ động tham mưu kịp thời, hiệu quả của cơ quan chức năng và đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách đối với người có công theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao đời sống của các đối tượng chính sách, góp phần giữ vững an ninh chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng sông nước Cửu Long”, Đại tá Hồ Minh Phương, Phó chủ nhiệm chính trị Quân khu, Phó trưởng Ban chỉ đạo 24 Quân khu 9, khẳng định.

Bài và ảnh: QUANG ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/che-do-chinh-sach/chi-tra-kip-thoi-khong-de-sot-doi-tuong-627724