Chỉ trong 6 tháng, cả nước đã xóa hơn 200.000 nhà tạm, nhà dột nát

Từ 10/3 đến nay, cả nước đã xóa gần 87.000 căn nhà tạm, nhà dột nát, nâng tổng số nhà tạm, nhà dột nát đã xóa kể từ khi phát động chương trình (5/10/2024) lên gần 209.000 căn. Đến 7/5, 15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát.

170 ngày tới, mỗi ngày cả nước cần xóa khoảng 364 căn nhà tạm, nhà dột nát

Phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước diễn ra sáng 11/5, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Toàn cảnh phiên họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Toàn cảnh phiên họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước cho nhân dân là công việc rất nhân văn, ý nghĩa, được triển khai rất tích cực với tinh thần, phương châm chỉ đạo "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít".

Từ khi phát động chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đến nay, cả nước đã xóa được gần 209.000 nhà (trong đó khánh thành và bàn giao 111.000 nhà; khởi công 98.000 nhà), đạt khoảng 77% trên tổng số nhu cầu. Nhiều ngôi nhà được xây dựng với giá trị cao hơn nhiều so với kinh phí được Nhà nước hỗ trợ.

Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh các cấp, ngành, địa phương đang phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ, nhất là sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, nhiệm vụ từ nay đến ngày 31/10/2025 vẫn còn rất nặng nề. Còn khoảng 61.800 nhà tạm, nhà dột nát cần xóa, liên quan đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương, phạm vi triển khai rộng, trong khi thời gian còn lại chỉ khoảng 170 ngày. Bình quân mỗi ngày cả nước phải hoàn thành khoảng 364 căn.

15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát

Theo báo cáo của Bộ Dân tộc và Tôn giáo - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, tính đến ngày 7/5/2025, cả nước có 15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Tính đến ngày 7/5/2025, cả nước có 15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Tính đến ngày 7/5/2025, cả nước có 15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Trong đó, 6 địa phương báo cáo không còn nhà tạm, nhà dột nát ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu.

4 địa phương gồm Bắc Ninh, Cần Thơ, Khánh Hòa và Tây Ninh đã hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho cả 3 nhóm đối tượng (người có công với cách mạng; các hộ thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; và các hộ thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Nhà nước phát động).

5 địa phương đã công bố hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo và cận nghèo theo chương trình phát động, gồm: Thái Nguyên, Kiên Giang, Bình Phước, Vĩnh Long và Trà Vinh. Tuy nhiên, 5 địa phương này vẫn còn hai nhóm đối tượng (người có công với cách mạng; và các hộ thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia) chưa được hỗ trợ đầy đủ do chưa được bố trí kinh phí.

Dự kiến trong tháng 5/2025, để thiết thực kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ có thêm 6 địa phương hoàn thành chương trình gồm: Sơn La, Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Long An và Hòa Bình.

Trong tháng 6/2025, 16 địa phương hoàn thành chương trình gồm: Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Bình Thuận, Kon Tum, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Hà Giang, Hà Nam, Lai Châu.

26 địa phương còn lại phấn đấu từ tháng 7 đến hết tháng 10/2025 hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (trong đó, tháng 7 có 4 địa phương; tháng 8 có 4 địa phương; tháng 9 có 9 địa phương và tháng 10 có 9 địa phương).

Để thúc đẩy tiến độ, đưa chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước về đích đúng hạn, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đề xuất một số giải pháp trọng tâm.

Một là, khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí hỗ trợ xây nhà cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ để các địa phương sớm triển khai.

Hai là, cho phép địa phương tạm ứng trước kinh phí từ nguồn quỹ địa phương để hỗ trợ các đối tượng nêu trên và hoàn trả sau khi Trung ương phân bổ ngân sách, với điều kiện tổng số kinh phí ứng trước không vượt quá mức dự toán địa phương đã báo cáo Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính.

Ba là, giao Bộ Xây dựng chủ trì rà soát, sửa đổi và bổ sung văn bản hướng dẫn, bảo đảm mức hỗ trợ nhà ở thuộc hai chương trình mục tiêu quốc gia được thống nhất với các quy định chung của chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Bốn là, thống nhất nguyên tắc điều chỉnh kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí huy động tại chương trình phát động và kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024, kinh phí từ quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, quỹ "Vì người nghèo" của Trung ương phù hợp với nhu cầu thực tế qua rà soát của địa phương.

Dự kiến cuối tháng 6/2025, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước sẽ được tổ chức sơ kết nhằm đánh giá toàn diện tình hình thực hiện, từ đó điều chỉnh, hoàn thiện các giải pháp một cách phù hợp và hiệu quả hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vừa ký Quyết định số 54 ban hành chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo này.

Mục tiêu của chương trình là quyết tâm đến hết ngày 31/10 cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước bao gồm 3 chương trình: Hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ; hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên).

Sẽ có 6 nhiệm vụ trọng tâm được tập trung triển khai để hoàn thành mục tiêu nêu trên.

Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện nhiệm vụ của các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương; kịp thời báo cáo Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo tại phiên họp Ban Chỉ đạo.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ca-nuoc-da-xoa-gan-209-000-nha-tam-nha-dot-nat-trong-khoang-6-thang-2399927.html