Chi tỷ USD nhập khẩu thịt, sức ép lớn từ 'sân nhà'
Giá trị nhập khẩu thịt, phụ phẩm từ thịt 11 tháng 2023 ước đạt hơn 1 tỷ USD. Điều này khiến ngành chăn nuôi trong nước càng lâm vào tình cảnh bi đát khi cầu tiêu thụ yếu, trong khi khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ.
Từ quy mô hơn 1.000 con heo, HTX Kinh doanh Thao Thanh (Bắc Giang) đã phải giảm đàn xuống 300 – 400 con, bởi trong tình cảnh sức cầu yếu như hiện nay, càng chăn nuôi nhiều càng thua lỗ. Ông Nguyễn Văn Thao, Giám đốc HTX cho biết, đơn vị này chăn nuôi theo quy trình chủ động từ con giống tới chế biến sâu các sản phẩm như thịt heo tươi, xúc xích, giò chả… Tuy vậy, việc cạnh tranh cũng ngày càng khó khăn.
Khó cạnh tranh với hàng nhập
Hiện, HTX Thao Thanh chủ yếu bán sản phẩm cho các tiểu thương bán lẻ trên địa bàn, chưa đưa sản phẩm vào nhà máy, xí nghiệp được. Ông Thao thông tin với VnBusiness rằng: “Các đơn vị nhà máy, xí nghiệp cũng tới đề nghị mua sản phẩm, nhưng sau khi chúng tôi chào giá đã lắc đầu vì chê cao hơn hàng thịt heo đông lạnh nhập khẩu. Thịt đông lạnh bán 50-60 nghìn đồng/kg. Vậy làm sao chúng tôi cạnh tranh được?”.
Chủ tịch HTX Thao Thanh nói rằng chăn nuôi heo giờ ví giống như canh bạc. Ngành chăn nuôi heo nếu không may gặp phải dịch tả heo châu Phi giống “sóng thần, bão lụt” ập đến, xem như mất trắng.
Trong khi đó, theo số liệu từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 11 tháng đầu năm 2023 đạt 2,58 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 891 triệu USD, giảm 10,8%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 1,02 tỷ USD, giảm 3,6%. Đáng chú ý, so với cùng kỳ 11 tháng năm 2022, lượng nhập khẩu thịt lợn và đặc biệt phụ phẩm từ lợn tăng 85,2%; phụ phẩm từ trâu tăng 56,18%; phụ phẩm bò tăng từ 25,8%.
Khảo sát cho thấy, giá heo hơi xuất chuồng trung bình tháng 11 đạt 51 nghìn đồng/kg tương đương giá tháng 10. Tại thời điểm tuần đầu tháng 12/2023, giá heo hơi trung bình cả nước là 48 nghìn đồng/kg - là mức giá thấp nhất trong năm 2023. Mức giá này thấp hơn khoảng 13 nghìn đồng/kg so với thời điểm giá heo cao nhất năm (tháng 7/2023 với giá trung bình cả nước 61 nghìn đồng/kg, thậm chí tại một số tỉnh miền Bắc thời điểm đó giá cao nhất 68 nghìn đồng/kg).
Mặc dù 2 tuần trở lại đây, giá heo hơi đã tăng nhẹ 1-2 nghìn đồng/kg đưa giá heo trung bình trong 15 ngày đầu tháng 12 là 49 nghìn đồng/kg, thấp hơn 3 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ 2022. Trong khi, giá thành sản xuất 01kg heo hơi dao động từ 45-52 nghìn đồng/kg, với mức giá này, mỗi kg thịt lợn hơi xuất chuồng, người chăn nuôi hầu như không có lãi, thậm chí thua lỗ.
Nguyên nhân của thịt heo giảm một phần do sức mua thực phẩm của người dân nhìn chung giảm nhẹ, trong khi nguồn cung thịt heo trong nước tăng vào các tháng 9, tháng 10 và tháng 11 năm 2023 do tình hình chăn nuôi lợn của các doanh nghiệp và trang trại vẫn duy trì ở mức khá cao.
Mặt khác, lượng thịt heo nhập khẩu tăng liên tục trong nửa cuối năm 2023. Ngoài ra, tình trạng nhập lậu heo sống, sản phẩm thịt heo qua khu vực đường mòn, lối mở vẫn diễn ra tại một số địa phương, gây áp lực đối với thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt sản xuất trong nước do phải cạnh tranh sản phẩm nhập lậu giá rẻ, đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh đối với chăn nuôi heo trong nước…
Kiến nghị kiểm soát nhập khẩu
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, một số sản phẩm chăn nuôi vẫn có xu hướng gia tăng nhập siêu như thịt heo tăng 85% lượng nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước, thịt trâu bò tăng 56%, thịt gia cầm trên 200.000 tấn (tương đương cùng kỳ). “Với sản lượng nhập khẩu lớn như thế sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho sản xuất trong nước,” ông Sơn nhận định.
Bên cạnh đó, hiện nay bắt đầu có xu hướng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội địa và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Báo cáo của Cục Chăn nuôi cũng chỉ ra, vấn đề toàn cầu hóa, việc hội nhập sâu rộng với thế giới khi Việt Nam phải cam kết thực hiện Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương các nước, khối, khu vực trên thế giới nhất là hiệp định CPTPP và EVFTA (16 FTA đã được ký kết, đang đàm phán 03 FTA và 01 FTA đang được tham vấn tiến tới đàm phán là VN-UAE FTA) mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường, hội nhập với thế giới, song cũng làm cho ngành chăn nuôi phải đối mặt với việc ngày càng gia tăng áp lực cạnh tranh về giá về sự đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và Châu Âu và nhiều nước khác được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
Ông Lê Văn Anh Tú, đại diện Liên đoàn xuất khẩu thịt Hoa Kỳ cho biết, sản phẩm bò ba chỉ của nước này được người Việt rất ưa chuộng, với giá bán trung bình tại các siêu thị khoảng 120.000 – 130.000 đồng/500gr. Nhiều nhà xuất khẩu heo Hoa Kỳ muốn đẩy mạnh đưa hàng vào thị trường Việt Nam.
Để bảo vệ ngành chăn nuôi gia cầm trong nước, các doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi trong nước kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần hạn chế nhập khẩu thịt. Đối với nhập khẩu chính ngạch phải kiểm soát chặt chẽ vì việc nhập khẩu gần hết hạn sử dụng (cận date) hoặc hết date.
Đối với nhập khẩu trâu, bò... qua đường tiểu ngạch, phải dừng ngay bởi nguy cơ lây lan dịch bệnh và thực phẩm không đảm bảo an toàn do sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nếu không thì người chăn nuôi trong nước thiệt đơn thiệt kép.
Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do với các cam kết về hội nhập thì sản phẩm chăn nuôi trong nước chắc chắn phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại. Theo đó, để cạnh tranh, sản phẩm chăn nuôi trong nước cần phải giảm giá thành, nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nghiên cứu các hàng rào kỹ thuật để giám sát tốt hơn sản phẩm nhập khẩu.
Về vấn đề kiểm soát nhập khẩu, đại diện Cục Chăn nuôi nhấn mạnh cần phải làm thường xuyên, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành để kịp thời ngăn chặn đảm bảo nguồn gốc sản phẩm trên thị trường.
Ông Phùng Đức Tiến
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
Mấy năm nay, chăn nuôi heo thua lỗ nghiêm trọng. Đây là lĩnh vực chủ lực trong ngành nông nghiệp, nhưng sức chống đỡ yếu ớt, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh. Để ngành chăn nuôi lớn mạnh và trụ vững phải có một ngành công nghiệp giống, vì giống quyết định năng suất, chất lượng. Chăn nuôi muốn giá trị gia tăng cao không cách nào khác là phải tăng cường chế biến sâu, bởi với người tiêu dùng ngày nào cũng chỉ nghĩ đến thịt luộc, kho tàu và mấy món khác... thì không thể ăn hết được.
GS.TS. Nguyễn Duy Hoan
Giảng viên Cao cấp Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên
Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, trong đó có ngành chăn nuôi, nhưng miếng bánh béo bở này lại nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp FDI có lợi thế hơn hẳn so với doanh nghiệp trong nước về vốn, công nghệ và giá thành sản xuất. Dự báo lợi thế này sẽ được phát huy sức mạnh trong thời gian tới khiến doanh nghiệp Việt Nam có thể thua tại sân nhà.
TS. Nguyễn Quốc Đạt
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam
Ngành chăn nuôi heo trong nước đang rất khó khăn, do tình trạng thịt heo đông lạnh không được kiểm soát về hạn sử dụng hay rã đông bán như hàng tươi tiềm ẩn rủi ro mất an toàn thực phẩm. Theo đó, các cơ quan chức năng cần ngăn chặn nguồn heo nhập lậu. Đồng thời, đối với hàng nhập khẩu chính ngạch cần có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước và người tiêu dùng.