Chỉ với một câu thơ...
Chỉ với một câu thơ, Bác Hồ mời được cụ Bùi Bằng Đoàn, Thượng thư Triều đình Huế đã quyết lòng ở ẩn, ra giúp nước trong những ngày khó khăn sau Cách mạng tháng Tám.
Sau Cách mạng tháng Tám, núp bóng quân Anh đại diện cho phe Đồng Minh, thực dân Pháp chen bước và trỗi dậy ở miền Nam hòng chiếm nước ta một lần nữa. Và sự thật lịch sử đã diễn ra đúng như vậy. Ở miền Bắc, quân Tưởng mang danh giải giáp quân Nhật mà thật ra để tàn hại nước ta như một lũ giặc. Thế nước nguy nan. Chỉ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, chỉ những bậc tài năng xuất chúng mới có thể chống chọi và giữ vững cơ đồ.
Nước là nước của dân, không riêng của những người cộng sản. Với tầm nhìn xa rộng, Bác Hồ đã kêu gọi các địa phương, phát hiện, vận động những người có tài, có đức ra giúp nước. Điều đó được thể hiện qua nhiều chỉ thị, quyết nghị của Chính phủ, bằng bài viết Tìm người tài đức đăng trên báo Cứu Quốc ngày 20.11.1946: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài… Các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”...
Riêng Bác, không chỉ vận động đông đảo trí thức Việt Nam từ Pháp về nước như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Hồ Đắc Di… mà còn trực tiếp mời các bậc chí sĩ, các bậc hiền tài trong nước, kể cả vua, quan của chế độ cũ như Nguyễn Văn Tố, Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Võ Liêm Sơn, Bảo Đại…
Bùi Bằng Đoàn (1889 - 1955) là Thượng thư bộ Hình triều Nguyễn, quê làng Liên Bạt, tỉnh Hà Đông cũ. Bùi Bằng Đoàn sinh ra trong một gia đình khoa bảng lâu đời, làm quan hết sức tận tụy với dân và nổi tiếng thanh liêm chính trực. Tại nhiệm sở của cụ, dù ở đâu, chức gì đều treo tấm bảng "Không nhận quà biếu".
Tháng 3.1945, khi Nhật đảo chính Pháp, có lẽ đã ngán vị làm chính trị tay sai, nồng thú điền viên như Đào Tiềm: Về thôi, về thôi, vườn ruộng sắp hoang vu; Về thôi về thôi, từ nay không giao du; Giàu sang không sở nguyện, Lý tưởng khó mong chờ… (Quy khứ lai từ).
Ngày 17.11.1945, Bác đã cử Thư ký của mình, ông Vũ Đình Huỳnh, về Hà Đông với bức thư tha thiết:
“Thưa Cụ,
Tôi tài đức ít ỏi mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Cụ học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú, vậy nên tôi muốn mời Cụ làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi trừ hại cho nước nhà dân tộc”.
Bùi công cảm tạ nhưng từ chối.
Bác sĩ Bùi Nghĩa, con trai út của cụ Bùi Bằng Đoàn kể: Sau những lần ấy, Bác Hồ lại gửi một bức thư khác, đề là “Lời tâm tri” và một câu thơ chữ Hán: Thu thủy tàn hà thính vũ thanh. Cụ nghiền ngẫm hồi lâu, mài mực viết lại một câu thư hồi đáp: Thính vũ thanh cảm ứng nghênh thu.
Bác Hồ chỉ kém Bùi Bằng Đoàn 1 tuổi, lại là đương kim Chủ tịch Nước, một “ông vua” như cách nói trước đây, mà lời lẽ hết sức khiêm nhường, kính cẩn đã khiến cụ Bùi hết sức xúc động. Không chỉ cảm thấy thực sự có gì mới mẻ, tốt đẹp ở chế độ mới, lần này lại thấy Cụ Hồ học vấn quá uyên thâm, đúng là minh quân, là người có thể cho mình thực thi lý tưởng, nên cụ lại quyết ra giúp nước: Nghe mưa thu, cảm tình cụ, hiểu lòng cách mạng, xin được nghênh đón mùa thu.
Câu thơ của Đào Tiềm Phú quý phi ngô nguyện, đế hương bất khả kỳ mà cụ Bùi Bằng Đoàn tâm đắc dịch theo nghĩa đen là “Phú quý không phải là sở nguyện của ta, quê của đế vương thì không thể, không biết lúc nào đến được”. Xưa nay, người ta chỉ hiểu “đế hương” hoặc là cõi trời, hoặc là cõi tiên, thiên đường… Theo chúng tôi, “đế hương” theo quan niệm nhà nho chính là xã hội của vua sáng, tôi hiền; là thời Nghiêu Thuấn, thời mà kẻ sĩ thực hiện được đạo cả của mình.
Gặp Bác Hồ, cụ Bùi từ thận trọng đến tin tưởng như gặp được minh quân, gặp được lúc thi thố tài năng, sở nguyện. Điều đó lý giải được sự kiên định, lòng trung thành của cụ Bùi với Bác Hồ, với chính phủ cách mạng. Nhiều bài viết muốn ca ngợi Bác Hồ, tâng bốc lên, nói rằng cụ Bùi được Bác Hồ cảm hóa, cụ Bùi được học tập ở Bác Hồ… Nói như vậy không chính xác. Cụ Bùi Bằng Đoàn cũng như nhiều đại trí thức khác, vốn đã có nhân cách, phẩm hạnh cao đẹp. Gặp Bác Hồ là tri âm, tri kỷ. Lời khiêm nhường, kính trọng của Bác đối với các bậc hiền tài còn rành rành ra đó!
Câu thơ Bác trích, là của Lý Thương Ẩn. Nhà thơ Lý Thương Ẩn đời Đường (không phải ai cũng đọc và hiểu được) có bài thơ Túc Lạc thị đình ký hoài Thôi Ung, Thôi Cổn nói về ngày thu, ở đình nhà họ Lạc nhớ hai em họ là Thôi Ung và Thôi Cổn như sau:
Trúc ổ vô trần thủy hạm thanh,
Tương tư điều đệ cách trùng thành.
Thu âm bất tản sương phi vãn,
Lưu đắc khô hà thính vũ thanh.
Tạm dịch là:
Nước mướt xanh hiên, trúc mướt bờ
Cách trùng thành quách, khổ tương tư
Bóng thu không tản, sương bay hết
Còn lá sen tàn lắng tiếng mưa!
Bác mượn câu kết, có sửa đi mấy chữ, thành Thu thủy tàn hà thính vũ thanh, vừa tóm được ý toàn bài, vừa nói lên nỗi lòng thao thiết mong người tài như hồ cạn mong mưa. Cũng có thể hiểu một ngụ ý sâu xa: Dòng nước mùa thu (cách mạng), đã làm tàn chế độ cũ (tàn hà), đang chờ tất cả mọi giọt nước hòa vào dòng thu; mọi người, nhất là bậc thức giả, cần hòa vào cách mạng, vào biển lớn nhân dân. Tôi (Hồ Chí Minh) và nhân dân đang từng giờ lắng nghe, mong chờ điều ấy (thính vũ thanh)!
Cụ Bùi hiểu được tấm lòng Hồ Chí Minh và ngụ ý sâu xa trong câu thơ ấy, liền ra giúp nước.
Cụ Bùi từng nói với Bác Tôn: “Cụ Hồ thuộc về thiên nhân, tuệ giác”!
Khi Bảo Đại trở cờ, quay lại lập chính phủ bù nhìn cho Pháp, ngày 28.3.1947, ông ta có nói, chính phủ của ông ta sẽ mời cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia. Tuyên bố thẳng thắn việc này, trước cựu hoàng của mình, trước nhân dân và thế giới, cụ Bùi Bằng Đoàn khẳng định: “Ngài cố vấn Vĩnh Thụy được đại diện Pháp vận động đứng ra lập Chính phủ, nhưng với tôi, chỉ khi nào cụ Hồ Chí Minh yêu cầu tôi về cầm chính quyền thì tôi mới về, vì chỉ có cụ Hồ Chí Minh là tiêu biểu lòng dân Việt Nam mà thôi”.
Sự tri âm, tri kỷ của Bác Hồ và cụ Bùi Bằng Đoàn đã để lại hai áng thơ tuyệt tác trong văn học Việt Nam hiện đại. Năm 1948, từ thế cầm cự, phòng ngự, kháng chiến đã chuyển sang thế phản công và liên tiếp giành được những thắng lợi. Kiến trúc sư kháng chiến - thi sĩ Hồ Chí Minh, dù đang ở trong mái lán đơn sơ Việt Bắc mà như đang ở Lầu Thắng Lợi, ung dung, tự tại viết:
Xem sách chim rừng vào cửa đậu
Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi
Tin vui thắng trận dồn chân ngựa
Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài
Bài thơ là một bức tranh toàn bích, nguyên văn chữ Hán. Chúng tôi muốn lưu ý thêm chữ “tân thi” trong câu cuối Tư công tức cảnh tặng tân thi. Đây không chỉ là bài thơ mới làm mà là sự thành công của kháng chiến, tôi muốn gửi tặng cụ và toàn thể quốc dân để tỏ lòng, để chứng cho những điều tôi và cụ đã làm với giang sơn là đúng đắn và cao cả!
Còn thơ cụ Bùi họa nguyên vận tặng Bác là:
Sắt đá một lòng vì chủng tộc
Non sông muôn dặm giữ cơ đồ
Biết Người việc nước không hề rảnh
Vung bút thành thơ đuổi giặc thù.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/chi-voi-mot-cau-tho-i355944/