Chia cổ tức bằng tiền mặt – chất xúc tác hỗ trợ giá cổ phiếu 'vua'!
Với kết quả kinh doanh khá tích cực trong quí 4-2023 cũng như cả năm 2023, một số ngân hàng đang lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Lợi nhuận “về đích”
Theo báo cáo hoạt động kinh doanh sơ bộ năm 2023, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank năm 2023 có thể đạt khoảng 41.200 tỉ đồng và lợi nhuận riêng lẻ vượt mức 40.400 tỉ đồng. Với kết quả trên, Vietcombank đã xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong ngành ngân hàng.
Đứng thứ hai về lợi nhuận trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh là BIDV, với kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2023 cho thấy lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỉ đồng. Tại Agribank, lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 ước đạt khoảng 25.300-25.400 tỉ đồng, tăng khoảng 15% so với năm 2022. Còn tại VietinBank, lợi nhuận năm 2023 cũng đã vượt kế hoạch đề ra, cán mốc tỉ đô la Mỹ.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có quy mô lớn và vừa, MB cho biết lợi nhuận riêng lẻ trong năm 2023 đạt gần 24.688 tỉ đồng, tăng 22%; lợi nhuận hợp nhất đạt 26.200 tỉ đồng, tăng 15%. Techcombank có lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 22.900 tỉ đồng, vượt so với kế hoạch được giao. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của VIB đạt hơn 10.700 tỉ đồng, tăng nhẹ 1% so với năm trước, nhưng chỉ thực hiện được 88% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VIB theo đó đạt 25%.
Năm nay Ngân hàng Nhà nước không còn “siết” việc chia cổ tức bằng tiền mặt đối với ngân hàng được xếp hạng cao. Đây được coi là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng xem xét việc chia cổ tức bằng tiền sau nhiều năm chia cổ tức bằng cổ phiếu, qua đó tạo thêm chất xúc tác hỗ trợ đà tăng giá của cổ phiếu “vua”.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại đã có bảy ngân hàng báo lợi nhuận ở mức trên 10.000 tỉ đồng là Vietcombank, BIDV, MB, VietinBank, Agribank, Techcombank và VIB. Tuy nhiên, khả năng sẽ có 11 ngân hàng nằm trong “câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỉ đồng” trong năm 2023 là Vietcombank, BIDV, MB, VietinBank, Agribank, Techcombank, ACB, VPBank, HDBank, SHB, VIB.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có quy mô nhỏ hơn, LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quí 4-2023 đạt 3.353 tỉ đồng, tăng tới 287% so với cùng kỳ; lũy kế lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 7.039 tỉ đồng, tăng 24%. Đây là một trong những ngân hàng có tăng trưởng cao nhất trong quí 4-2023.
Một ngân hàng khác là Saigonbank báo lãi trước thuế quí 4-2023 đạt 84 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ lãi vỏn vẹn 1 tỉ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 của Saigonbank đạt 332 tỉ đồng, tăng 40%.
BacABank cũng có kết quả tích cực với lợi nhuận trước thuế quí 4-2023 đạt 485 tỉ đồng, tăng 50%; lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 1.036 tỉ đồng, bằng năm 2022.
Riêng TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quí 4-2023 là 630 tỉ đồng, giảm mạnh 67% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của TPBank ở mức 5.589 tỉ đồng, thấp hơn khá nhiều so với năm 2022 (đạt 7.828 tỉ đồng).
Lên kế hoạch chia cổ tức tiền mặt
Với kết quả kinh doanh tích cực như trên, một số ngân hàng đã lên kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông. Trong đó, thông tin về việc chia cổ tức bằng tiền mặt đặc biệt thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Techcombank dự kiến đề xuất mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt ít nhất 20% tổng lợi nhuận, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024. Trước đó, việc chia cổ tức bằng tiền mặt từng nhiều lần được cổ đông ngân hàng này chất vấn hội đồng quản trị tại mỗi kỳ họp đại hội đồng cổ đông suốt 10 năm qua. Gần nhất, tại kỳ đại hội hồi tháng 4-2023, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank cho biết có thể sẽ có thay đổi và năm 2023 là năm cuối cùng không chia cổ tức bằng tiền mặt.
VIB cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên công bố việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024. Theo đó, VIB đã quyết định chi hơn 1.500 tỉ đồng để tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 6%. Cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ được nhận 600 đồng. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến là ngày 21-2-2024.
Trước đó, trong năm 2023, VIB đã có hai đợt chia cổ tức vào tháng 3 và tháng 5 với tỷ lệ chia lần lượt là 10% và 5%. Ngoài ra, VIB cũng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 20%, đồng thời phát hành thêm 7,6 triệu cổ phiếu cho người lao động ESOP vào tháng 6-2023. Vốn điều lệ của VIB theo đó tăng lên mức 25.368 tỉ đồng.
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, lãnh đạo cấp cao VPBank cũng cho biết ngân hàng này sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm năm liên tiếp và đủ để được phép chia cổ tức 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm cho cổ đông. Riêng trong năm 2023, VPBank đã chi ra gần 8.000 tỉ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Các đợt chia cổ tức bằng tiền trong các năm tiếp theo dự định sẽ được VPBank thực hiện sớm hơn.
Ngoài VIB, VPBank, còn có ba ngân hàng khác thực hiện chia một phần cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023 gồm: ACB, HDBank, MB…
Đối với cổ đông, việc chia cổ tức bằng tiền mặt cũng là niềm vui trong bối cảnh giá cổ phiếu “vua” thường có mức tăng khá “dè dặt” so với các nhóm cổ phiếu thu hút được dòng tiền lớn khác trên thị trường. Tình hình năm nay thậm chí còn tích cực hơn khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đang đóng vai trò “dẫn sóng” giữ nhịp thị trường với mức tăng lên tới 15-20% tùy từng cổ phiếu. Tuy vậy, đứng ở phương diện quản lý, các ngân hàng vẫn được khuyến khích chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, giúp làm dày bộ đệm vốn, nâng cao năng lực tài chính trước những rủi ro trong tương lai.
Nhưng khác với ba năm trước, khi dịch Covid-19 hoành hành, Ngân hàng Nhà nước luôn yêu cầu các ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, dành nguồn lực xử lý nợ xấu, thì năm nay không còn “siết” việc chia cổ tức bằng tiền mặt đối với ngân hàng được xếp hạng cao. Đây được coi là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng xem xét việc thực hiện kế hoạch chia cổ tức bằng tiền sau nhiều năm chia cổ tức bằng cổ phiếu, qua đó tạo thêm chất xúc tác hỗ trợ đà tăng giá của cổ phiếu “vua”.