Chia đất, dứt tình

Tòa án có thể phân chia tài sản một cách công bằng nhưng sự rạn nứt trong các mối quan hệ gia đình là điều mà không một phán quyết nào có thể vá lành

Hai câu chuyện dưới đây là 2 bi kịch gia đình khác nhau nhưng đều có điểm chung: Khi giá đất lên cao thì nghĩa tình lại rơi xuống thấp. Khi những giá trị vật chất trở nên quá quan trọng, tình thân dường như bị bỏ quên, thậm chí bị chà đạp.

Tình thân đổ vỡ

Tòa án có thể phân chia tài sản một cách công bằng nhưng sự rạn nứt trong các mối quan hệ gia đình là điều mà không một phán quyết nào có thể vá lành...

Một ngày cuối tháng 5-2024, trong không gian ngột ngạt của phòng xử án TAND TP HCM, 2 người đàn ông đều đã ngoài 60 tuổi ngồi đối diện nhau, ánh mắt đầy uất ức, giằng xé. Ông T.V.H cúi đầu, đôi bàn tay run rẩy siết chặt nhau như thể đang cố níu giữ điều gì đó mong manh. Đối diện, ông T.V.Q với gương mặt rắn rỏi, ánh mắt sắc như những mũi tên nhọn bắn thẳng vào tim người đối diện.

Họ là anh em ruột, lớn lên cùng nhau trên mảnh đất hương hỏa của tổ tiên tại quận 12, TP HCM. Tuy nhiên, khi giá bất động sản ngày càng tăng, mảnh đất vốn là nơi gắn kết tình cảm gia đình ấy đã trở thành nguyên nhân khiến mối quan hệ ruột thịt rạn nứt.

Mọi chuyện bắt đầu khi cha mẹ của họ qua đời. Mảnh đất hương hỏa bỗng tăng giá nhanh chóng, trở thành một khối tài sản lớn ngoài sức tưởng tượng của cả hai. Sự thay đổi này đã mở ra một ngã rẽ đầy đau đớn trong mối quan hệ gia đình, khi quan niệm sống khác biệt đẩy họ ra xa nhau.

Ảnh minh họa AI: Ý LINH

Ảnh minh họa AI: Ý LINH

Ông H. cho rằng theo nguyện vọng của cha mẹ, mảnh đất nên được giữ lại để thờ cúng tổ tiên. Với ông, mảnh đất ấy là sợi dây kết nối mình với quá khứ, với những ký ức đẹp đẽ về gia đình. Giữ lại mảnh đất là cách thể hiện lòng thành kính với tổ tiên cũng như giữ lời hứa với cha mẹ.

Ngược lại, ông Q. cho rằng mảnh đất là cơ hội để làm giàu. Ông muốn bán đất, chia đều tài sản và dùng tiền đầu tư kinh doanh để lo cho tương lai của con cháu. Trong suy nghĩ của ông Q., đó mới là cách thể hiện tình yêu thương với gia đình, là cách để mọi người cùng phát triển.

Sự khác biệt trong quan điểm khiến hai anh em không thể tìm được tiếng nói chung. Sau cùng, họ buộc phải nhờ pháp luật phân xử. Nhưng ra tòa, họ không chỉ nói chuyện với nhau bằng những lập luận pháp lý. Ông Q. cho rằng anh trai ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân. Còn ông H. lại nói em trai vô ơn, quên đi nghĩa vụ với tổ tiên. Những lời lẽ cay nghiệt làm tổn thương lẫn nhau cứ thế được tuôn ra hòng hơn thua bằng được.

Phía sau họ, con trai, con gái, con dâu, con rể thi nhau nói chen vào. Mỗi người một ý, như những con sóng xô vào nhau, làm xáo động không gian yên tĩnh của phòng xử án. "Ba phải nhắc cho chú nhớ về ông bà, tổ tiên" - một giọng nói vang lên. "Ba phải cứng rắn hơn, chúng ta đã đồng ý phân chia tài sản như thế!" - một giọng khác tiếp lời...

Cuộc tranh cãi kéo theo sự tham gia của những người khác trong gia đình. HĐXX phải nhắc nhở mấy lần mới vãn hồi được trật tự. Lời qua tiếng lại dù đã bị cắt ngang nhưng không thể xoa dịu những trái tim đang tan vỡ.

Đến khi HĐXX tuyên án, cả căn phòng chìm vào sự im lặng nặng nề. Tiếng đồng hồ tích tắc đều đều, đếm từng giây từng phút trôi qua. Ông Q. được chia phần tiền như mong muốn nhưng khuôn mặt lại tràn ngập nỗi đau xót bởi từ giây phút ấy, ông đã mất đi một phần gia đình. Ông H. được giữ lại đất nhưng lòng cũng trĩu nặng nỗi buồn về sự đổ vỡ tình thân.

Chút tình cảm cuối cùng của mẹ con

Trong một phiên xét xử khác cũng tại TAND TP HCM, bà N.T.M ngồi đối diện người con trai duy nhất - anh N.V.T.

Trên khuôn mặt bà M. không biểu hiện sự căm ghét hay thù hằn. Trái lại, trong ánh mắt bà là sự mệt mỏi và đau đớn.

Bà M. là góa phụ, cả đời dành dụm từng đồng để nuôi con khôn lớn. Mảnh đất nhỏ mà bà sở hữu là toàn bộ tài sản của gia đình nhưng nay lại trở thành nguyên nhân của cuộc tranh chấp. Anh T. muốn bán đất để lấy tiền kinh doanh nhưng bà M. muốn giữ lại để có chỗ nương tựa tuổi già.

Trong ánh mắt nhòe lệ của người mẹ, mảnh đất không chỉ là tài sản mà còn là nơi trú ẩn bình yên suốt những năm tháng vất vả. Bà M. nhớ lại những ngày cha con bà cùng nhau vun xới, từng gốc cây, ngọn cỏ đều chứa đựng kỷ niệm. Giờ đây, khi tuổi già sức yếu, mảnh đất ấy càng trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Bà sợ viễn cảnh phải rời xa ngôi nhà nhỏ đã chứng kiến bao thăng trầm của cuộc đời mình.

Anh T. đứng trước tòa lòng đầy dằn vặt. Có lẽ anh biết mẹ mình yêu quý mảnh đất này đến nhường nào. Nhưng anh cũng có ước mơ riêng. T. nói anh muốn tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tổ ấm của mình và cho mẹ. Anh tin rằng bằng số tiền bán đất, anh có thể bắt đầu một công việc kinh doanh và thoát khỏi cảnh vất vả.

Trong phiên tòa, anh T. không ít lần hạ giọng cầu xin mẹ bán đất và hứa sẽ chăm sóc bà chu đáo. Bà M. kiên quyết không nhượng bộ, cho rằng mảnh đất là nơi bà đã gắn bó cả cuộc đời, không thể đánh đổi bằng tiền bạc.

HĐXX cố gắng tìm cách hòa giải nhưng cuối cùng vẫn phải đưa ra phán quyết. Bà M. thắng kiện, được quyền sở hữu mảnh đất; còn người con trai ra về với nỗi thất vọng lẫn giận dữ.

Ánh nắng chiều chiếu qua cửa sổ, nhuộm vàng những giọt nước mắt lăn dài trên má bà M. Người mẹ nhìn theo bóng dáng con trai dần khuất xa, hòa vào dòng người tấp nập bên ngoài cổng tòa án.

Khi bóng chiều phủ xuống thành phố cũng là lúc những bước chân nặng nề rời khỏi phòng xét xử. Liệu rằng trong tương lai, khi giá đất tiếp tục leo thang, tình nghĩa gia đình có còn đủ mạnh mẽ để giữ lại những giá trị nhân văn sâu sắc?

Trần Thái

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chia-dat-dut-tinh-196240802205505203.htm