Chia hạng giáo viên để trả lương vừa bất cập, rắc rối lại dễ nảy sinh bất công
Sản phẩm của giáo viên được tạo ra là sản phẩm trí tuệ, không phải vật chất nên xếp hạng giáo viên thành các các hạng I, II, III nghe rất... kỳ.
Trước năm 2015 thì việc xếp lương hưởng theo bằng cấp, thâm niên,… nên bộc lộ rất nhiều bất cập, không khuyến khích, tạo động lực phát triển cho giáo viên trẻ,..
Từ năm 2015 đến nay, khi các Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT ban hành thì giáo viên đã được xếp lương theo các hạng. Giáo viên mầm non, tiểu học được xếp các hạng II, III, IV; giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông được xếp các hạng I, II, III.
Việc này tiếp tục bộc lộ nhiều bất cập như: giáo viên có trình độ đại học dạy tại trung học phổ thông thì hưởng lương đại học, dạy tại tiểu học, mầm non thì chỉ hưởng lương trung cấp, bất cập về các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, việc quy định các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp các hạng, chuyển xếp lương, thi thăng hạng,…
Sắp tới, kể từ ngày 20/3/2021 các Thông tư trên sẽ được thay thế bằng các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông vẫn được xếp theo các hạng từ hạng I, II, III.
Có thể hiểu nôm na như một số ngành nghề khác, người lao động có tay nghề cao hơn làm việc hiệu quả hơn, tạo ra sản phẩm nhiều hơn, tốt hơn bán được giá hơn thì xếp hạng cao, được trả lương cao hơn là phù hợp.
Tuy nhiên, nghề giáo là ngành đặc thù, sản phẩm của giáo viên được tạo ra là sản phẩm trí tuệ, không phải vật chất nên xếp hạng giáo viên thành các các hạng I, II, III nghe rất… kỳ quặc.
Không phải giáo viên hạng cao là dạy giỏi
Bất cập hiện nay các giáo viên hạng I, II ở các cấp học, bậc học chỉ dựa vào bằng cấp, chứng chỉ, một số thành tích,… không có gì chứng minh họ dạy tốt hơn giáo viên hạng thấp như hạng III, IV.
Thậm chí hiện nay các giáo viên tuy chỉ xếp hạng IV nhưng dạy rất tốt, rất nhiệt tình, được đồng nghiệp, học sinh quí mến,… còn giáo viên xếp hạng I, II không hiệu quả thì vẫn là giáo viên hạng cao. Rất bất công.
Sắp tới, việc chuyển xếp lương theo các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì không có nhiều thay đổi về xếp hạng giáo viên, vẫn sẽ có giáo viên ỳ ạch không đổi mới, dạy không hiệu quả do trước đây được xếp hạng cao nay lại chuyển xếp lương ở hạng cao hơn.
Đây chính là bất cập rất lớn, gây nhiều bức xúc cho giáo viên.
Như đã nói, việc xếp lương giáo viên tại cùng một cấp học theo các hạng nghe rất… kỳ quặc, cùng là giáo viên như nhau dạy cùng một khối, làm cùng công việc như nhau, hiệu quả như nhau lại có người xếp hạng I, có người xếp hạng II, III, IV.
Xã hội như đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh,… nghĩ gì khi giáo viên dạy mình được gọi là giáo viên hạng III, IV.
Gần đây, có nhiều bức xúc về việc giáo viên hạng cao thì đạo đức nhà giáo cao hơn nhà giáo hạng thấp, nhiều người thấy bị tổn thương.
Trước đây chỉ quy định, giáo viên dạy cấp I (tiểu học), cấp II (trung học cơ sở), cấp III (trung học phổ thông), nay tại mỗi cấp học lại phát sinh thêm giáo viên các hạng sẽ vô cùng phức tạp, bất công, bất cập, rất mong Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tính toán lại cho phù hợp hơn, việc xếp các hạng này thật sự không cần thiết.
Một vài kiến nghị
Theo quan điểm Theo Luật Giáo dục 2019, nhiệm vụ của nhà giáo là giảng dạy và giáo dục theo kế hoạch, chương trình giáo dục.
Đủ các loại chứng chỉ, giáo viên vẫn phải chờ 9 năm nữa mới lên hạng tăng lương
Cùng một cấp học, bậc học thì nhiệm vụ của giáo viên thì gần như là như nhau, chỉ có hiệu quả thì có thể khác nhau.
Từ xưa đến nay, giáo viên chỉ có một việc, nhiệm vụ duy nhất, suốt đời là đi dạy. Giáo viên học chuyên ngành nào thì dạy chuyên ngành đó: Học Văn dạy Văn, học Toán dạy Toán, học Sử dạy Sử... và thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, phổ cập,… từ khi ra trường đến khi về hưu.
Trong các cơ sở giáo dục, có một số rất ít giáo viên làm các chức danh quản lý như Hiệu trưởng, Hiệu phó (nhưng vẫn giảng dạy một số tiết); một số giáo viên có thêm chức danh kiêm nhiệm khác như Chủ tịch Công đoàn, Tổ trưởng chuyên môn, Bí thư chi bộ..., nhưng nhiệm vụ chính của họ vẫn là giảng dạy và giáo dục.
Do đó, phân hạng giáo viên theo vị trí việc làm là không phù hợp thực tế, vì đội ngũ giáo viên cơ bản chỉ có một vị trí việc làm.
Xét theo vị trí việc làm, trong các cơ sở giáo dục có 3 vị trí: Lãnh đạo, giáo viên, nhân viên. Việc xếp lãnh đạo, giáo viên thành các hạng rất bất cập, rắc rối, bất công.
Do đó, nếu tổ chức bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên, thì cũng chỉ nên bồi dưỡng theo vị trí việc làm nói trên. Người làm công tác quản lý thì bồi dưỡng về công tác quản lý giáo dục, người làm công tác kiêm nhiệm ở vị trí nào thì bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng của vị trí đó.
Còn tất cả giáo viên bình thường thì cần được bồi dưỡng như nhau, bố trí theo từng môn học, để đi sâu vào chuyên môn, nâng cao chất lượng chuyên môn.
Việc căn cứ vào bằng cấp đào tạo, thành tích trong một số cuộc thi giáo viên giỏi, bằng khen, giấy khen... để phân hạng giáo viên là không hợp lý, vô hình trung kích thích “cuộc đua” bằng cấp, chạy theo thành tích, khen thưởng.
Do đó, việc phân hạng sắp tới từ 20/3/2021 trên tuy là việc làm khắc phục những bất cập của hiện tại nhưng vẫn trả lương theo hạng, những giáo viên hạng cao trước đây vẫn sẽ được chuyển xếp vào các hạng cao trong thời gian tới.
Những giáo viên dạy ở các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đã tốt nghiệp đại học từ năm 2012 đến nay chưa được chuyển xếp lương lên các hạng cao đã rất thiệt thòi, nay lại phải chuyển của hạng thấp, thu nhập thấp hơn.
Tôi ví dụ một hiệu trưởng đang hưởng giáo viên trung học cơ sở hạng III (hệ số lương 2,1 đến 4,89) có bằng đại học năm 2012 đến nay vẫn chưa được chuyển lên hạng II, dù đủ tiêu chuẩn, điều kiện của giáo viên hạng II thì vẫn chỉ được chuyển xếp lương mới là giáo viên hạng III, trong khi các giáo viên tốt nghiệp đại học từ xa trước năm 2011 đều đã được xếp lương giáo viên hạng II (cũ) nay lại chuyển sang hạng II mới, rất bất cập và vô lý.
Do đó, nếu hiện nay việc trả lương theo các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT để sắp xếp lại thang, bảng lương hợp lý tiến tới trả lương theo vị trí việc làm từ 01/7/2022, xin kiến nghị Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét việc giáo viên đạt tiêu chuẩn ở hạng nào thì được chuyển xếp lương ở hạng đó, hạn chế bất cập tôi đã nên ở trên.
Giáo viên hạng IV, III nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được chuyển xếp lương hạng II (hiện nay các Thông tư không có quy định này).
Bên cạnh đó, khắc phục những hạn chế, bất cập của việc trả lương theo các hạng hiện nay để tiến tới trả lương theo vị trí việc làm, theo hiệu quả công việc từ 01/7/2022.
Xin tiếp tục kiến nghị khi việc trả lương theo vị trí việc làm sẽ bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo, rất mong Chính phủ và các ban ngành khi xây dựng lương mới thì lương mới (tổng thu nhập) của giáo viên không được thấp hơn lương cũ như đã hứa. Giáo viên làm việc hiệu quả thì có thêm khoản khen thưởng phù hợp.
Bên cạnh đó, rất nhiều người rất muốn biết dự thảo việc trả lương theo vị trí việc làm sắp tới như thế nào, nên công khai để nhân dân góp ý trước khi triển khai.