'Chìa khóa' cho phát triển bền vững

Chuyển đổi số không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững. Từ thành phố hiện đại đến vùng biên giới xa xôi, chuyển đổi số sẽ là 'chìa khóa' giúp tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng sống và củng cố an ninh quốc gia. Tuy nhiên, để hành trình này thành công, cần sự đồng lòng và nỗ lực không ngừng từ trung ương đến địa phương.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hiện, tỷ lệ phủ sóng 4G tại các địa phương miền núi hiện mới đạt 63%, nhiều xã vùng sâu, vùng xa vẫn chưa có kết nối internet ổn định, mạng 5G chỉ mới được thử nghiệm tại một số trung tâm huyện. Bên cạnh đó, bài toán về nhân lực công nghệ thông tin cũng đặt ra nhiều thách thức. Đến thời điểm hiện tại, mới có khoảng 18% cán bộ công chức ở các tỉnh miền núi được đào tạo bài bản về công nghệ, trong khi tỷ lệ này cần đạt ít nhất 50% để vận hành hiệu quả hệ thống quản lý số.

Bên cạnh thách thức về nhân lực và hạ tầng, nguồn lực tài chính cũng là một rào cản lớn. Báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy, ngân sách chi cho khoa học công nghệ những năm gần đây chỉ chiếm dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2-3% tại các quốc gia phát triển. Thực tế này khiến nhiều chương trình khoa học công nghệ rơi vào tình trạng “giật gấu vá vai”, làm giảm sức sáng tạo của các nhà khoa học.

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ra đời với bước đột phá lớn khi đặt mục tiêu đến năm 2030, chi ngân sách cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đạt ít nhất 3% tổng chi ngân sách hàng năm, trong đó, chi cho nghiên cứu phát triển chiếm 2% GDP, với hơn 60% kinh phí từ xã hội. Đây được coi là cú hích quan trọng nhằm khuyến khích doanh nghiệp và cá nhân đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) và Internet vạn vật (IoT). Có thể nói, Nghị quyết 57 không chỉ khắc phục tình trạng phân bổ dàn trải, mà còn thúc đẩy cơ chế tài chính thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Việc này mở ra cánh cửa để chắp cánh niềm đam mê nghiên cứu cho các nhà khoa học trong nước.

Theo các chuyên gia, việc đưa mức chi ngân sách lên 3% là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành khoa học công nghệ. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, cần nhanh chóng rà soát và sửa đổi các luật liên quan như Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển đổi số và Luật Sở hữu trí tuệ để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Vấn đề quan trọng nhất, chuyển đổi số sẽ chỉ thành công khi có sự tham gia chủ động của người dân. Chính quyền cần xây dựng các chương trình phổ cập kỹ năng số để người dân, đặc biệt là ở vùng miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến như khai báo y tế, đăng ký dịch vụ hành chính công...

Chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ bắt buộc, mà còn là cơ hội để các địa phương hiện đại hóa hệ thống quản lý, nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết 57 đã mở ra con đường rõ ràng với những mục tiêu cụ thể về tài chính và chính sách. Điều cần thiết lúc này chính là sự quyết tâm chung sức của toàn bộ hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân, nhằm đưa nước ta tiến vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thái Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chia-khoa-cho-phat-trien-ben-vung-post485759.html