'Chìa khóa' của nông nghiệp hiện đại
Bắt kịp xu hướng phát triển, nông nghiệp Hải Dương đang có bước chuyển mình trên con đường số hóa để nâng cao giá trị sản xuất. Đây là 'chìa khóa' giúp tỉnh mở cánh cửa nền nông nghiệp hiện đại.
Nông nghiệp thông minh
Đã qua rồi cái thời mất nhiều thời gan, công sức "trông trời, trông đất" hay theo dõi các bản tin thời tiết, kiểm tra thực tế để đưa ra dự báo sâu bệnh phát sinh trên cây trồng. Giờ đây, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thanh Miện làm tất cả việc trên chỉ qua vài thao tác. Tháng 3 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp Công ty CP Giải pháp thời tiết Weather Plus hỗ trợ địa phương lắp đặt Trạm Khí tượng thông minh iMetos, tháo gỡ những bất cập trong việc đánh giá, dự báo sâu bệnh gây hại. Trên cơ sở thông số như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, gió... thiết bị trên sẽ phân tích, đưa ra cảnh báo về tình hình sâu bệnh và gợi ý các biện pháp chăm sóc giúp cây trồng phát triển phù hợp với điều kiện thời tiết. Toàn bộ dữ liệu sẽ được truyền về đơn vị đầu mối để kiểm soát, từ đó xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, nếu người dân có nhu cầu nắm bắt những thông tin này sẽ được chia sẻ qua ứng dụng được tích hợp trên điện thoại thông minh hay máy tính có kết nối internet. Ông Vũ Khắc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Miện cho biết nhờ có trạm khí tượng mà công việc của trung tâm không chỉ bớt vất vả mà còn nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả cao hơn. Chuyển đổi số (CĐS) trong trồng trọt đã giảm áp lực cho khuyến nông viên, khiến mọi việc trở nên thuận lợi, đơn giản hơn.
Hơn 20 năm theo nghề ấp nở con giống gia cầm nên anh Phạm Đình Dừa, ở thôn Thượng Bì, xã Yết Kiêu (Gia Lộc) nắm rõ những thay đổi trong quy trình thực hiện các khâu sản xuất của nghề này. Trước đây, nếu như chất lượng con giống phụ thuộc phần nhiều vào kinh nghiệm, tay nghề, có khi nhờ may rủi thì hiện tại đều nhờ công nghệ. Hiện 14 máy ấp trứng với công suất 1,9 vạn quả/máy/2 ngày được cài đặt thiết bị cảm biến, liên tục cập nhật số liệu về nhiệt độ, sau đó truyền về phần mềm cài sẵn trên điện thoại thông minh. Những bất thường ảnh hưởng tới quy trình ấp nở sẽ được gửi thông báo để người nuôi nắm bắt, từ đó điều chỉnh phù hợp. Hệ thống chuồng trại nuôi gà đẻ trứng, gà hậu bị được trang bị hơn 40 camera giám sát. Việc ăn uống, vận hành quạt thông gió cũng tự động, chỉ cần mang theo điện thoại thông minh thì ở đâu cũng có thể điều hành được trang trại. Theo anh Dừa, ngày trước làm thủ công, mới 1 trang trại đã làm không hết việc dù gia đình có thuê hơn chục lao động. Còn hiện nay, nhờ CĐS nên anh Dừa dễ dàng quản lý 3 trang trại mà lao động cũng không tăng thêm. Công nghệ thông tin cũng giúp anh Dừa giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ấp nở giống gia cầm với người chăn nuôi trên khắp mọi miền đất nước. Kinh doanh, cung ứng con giống cũng không còn bó hẹp ở những mối truyền thống mà mở rộng hơn nhờ mạng xã hội. "Đầu tư công nghệ, CĐS vào sản xuất ban đầu có tốn kém nhưng thu được hiệu quả lâu dài, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng", anh Dừa cho hay.
Hướng tới bài bản
Những mô hình nông nghiệp thông minh là mảnh ghép để tạo nên nền nông nghiệp số hiện đại, hạn chế bất lợi cho lĩnh vực vốn chứa đựng nhiều rủi ro. Thế nhưng, các mô hình này vẫn còn tự phát, chưa đồng bộ, bài bản nên cần có định hướng phát triển phù hợp.
Dù sở hữu trang trại nuôi lợn tương đối hiện đại song anh Phạm Văn Hùng, ở thôn Bến Thôn, xã Thăng Long (Kinh Môn) vẫn đang lúng túng đưa công nghệ số vào sản xuất. Trang trại rộng hơn 1,6 ha được đầu tư camera giám sát, lắp đặt dây chuyền ăn uống bán tự động và cảm biến báo mất điện. Để phòng bệnh cho đàn lợn, quy trình nuôi rất nghiêm ngặt, hạn chế người ra vào khu vực chuồng trại. Do đó việc theo dõi, điều hành từ xa rất cần thiết giúp giảm nguy cơ dịch bệnh. Thấy được những lợi ích từ CĐS nhưng anh Hùng cũng còn nhiều băn khoăn vì kiến thức về công nghệ còn hạn hẹp. Anh Hùng cho biết: "Chi phí đầu tư chỉ là một phần, cái quan trọng là lựa chọn và khai thác được tính năng của sản phẩm công nghệ để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Tuy là hộ sản xuất cá thể song tôi rất mong muốn được tiếp cận công nghệ, ứng dụng công nghệ một cách bài bản".
Nông nghiệp số đang có những chuyển động tích cực nhưng mới chỉ là bước đầu. Đây là giai đoạn tạo dựng nền móng để việc ứng dụng công nghệ số không còn xa lạ mà trở nên phổ biến trong sản xuất nông nghiệp. Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp đang có những thay đổi khi ứng dụng CĐS trong hoạt động sản xuất và quản lý. Công nghệ số sẽ hỗ trợ, khắc phục được những bất cập của tính mùa vụ và mở ra lợi thế sản xuất, tiêu thụ để nâng cao cạnh tranh của sản phẩm. CĐS là xu thế tất yếu song nếu không chủ động nắm bắt thì sẽ bị bỏ lại phía sau. Do đó, bên cạnh tham mưu cho tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình thông minh để tạo điểm nhấn, làm đòn bẩy cho sự phát triển chung, sở cũng định hướng nông dân từ tiếp cận đến sử dụng và vận hành thành thạo ứng dụng CĐS. Có như vậy mới chiếm lĩnh được nền nông nghiệp số hiện đại.