'Chìa khóa' để Bình Dương tăng trưởng hai con số - Bài 3

Bài 3: Khơi thông mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, Bình Dương đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó, Bình Dương tập trung cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tiếp tục đưa sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng của tỉnh, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Các KCN Việt Nam - Singapore tại Bình Dương là điểm sáng trong thu hút các dự án đầu tư nước ngoài chất lượng cao

Chuẩn bị tốt mọi mặt đón dự án chất lượng

Năm 2025, Bình Dương đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (KCN) theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, Bình Dương tiếp tục đổi mới và phát triển đa dạng hóa các loại hình KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN cơ khí, khu công nghệ thông tin, cụm công nghiệp công nghệ cao bảo đảm yêu cầu phát triển của tỉnh, vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Đồng thời, Bình Dương xây dựng chính sách và triển khai hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi công năng các cơ sở sản xuất công nghiệp ở phía nam của tỉnh sang phát triển thương mại - dịch vụ, đô thị và công nghiệp công nghệ cao phù hợp với quy hoạch.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá những kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư của Bình Dương năm 2024 và ngay từ những ngày đầu năm 2025 đã và đang lan tỏa, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh. Đây cũng là động lực để Bình Dương lạc quan, vững tin về sự gia tăng mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước trong năm 2025 và thời gian tới.

Trong năm 2025, Bình Dương xác định thúc đẩy ngành công nghiệp tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng, phấn đấu ngành công nghiệp tăng trưởng trên 12% so với năm 2024. Theo đó, Bình Dương đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp hiện hữu theo hướng hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiếp tục duy trì và phát huy vai trò ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là trụ cột chính trong sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Hiến kế để Bình Dương tăng trưởng hai con số, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh phát triển lên một nấc thang cao hơn sẽ là bài toán mà Bình Dương phải quyết liệt thực hiện trong thời gian tới. Ngoài việc ưu tiên phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối, Bình Dương cần cơ cấu lại các ngành công nghiệp trong các KCN, tăng hàm lượng giá trị gia tăng và gắn việc cơ cấu lại các KCN với phát triển đô thị. Đây cũng chính là động lực để tăng tỷ trọng khu vực thương mại - dịch vụ.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng thời gian tới, cùng với việc phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ cần được quan tâm để tái cơ cấu kinh tế, dịch chuyển lên một trình độ phát triển cao hơn; song song đó đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, logistics thông minh, các dịch vụ đô thị… Đây là những giải pháp cần tiến hành đồng bộ như việc Bình Dương thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH R-Pac Việt Nam

Cùng nhà đầu tư phát triển bền vững

Ngay trong những ngày đầu năm 2025, UBND tỉnh đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 23 dự án của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 42.000 tỷ đồng (tương đương hơn 1,7 tỷ đô la Mỹ). Mới đây nhất, ngày 1-2, UBND tỉnh đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và trao giấy chứng nhận đầu tư cho 7 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn gần 1 tỷ đô la Mỹ. Đây được coi là những tín hiệu tích cực cho dòng vốn đầu tư vào tỉnh trong năm 2025.

Trong khi đó, Nhà máy Lego (KCN Việt Nam - Singapore III) của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) với số vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ đô la Mỹ dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý II- 2025. Dự án này vận hành sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng dài hạn cho Bình Dương. Cùng với Lego, nhiều dự án chất lượng cao đang giúp Bình Dương khẳng định vị thế “thủ phủ” công nghiệp, đồng thời hướng tới trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ xanh và bền vững.

Lãnh đạo tỉnh xác định, để tận dụng cơ hội thu hút đầu tư, không chỉ dựa vào lợi thế vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở, mà còn cần phát huy, cải thiện lợi thế cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chính vì thế, Bình Dương đang tiếp tục tinh gọn quy trình, thủ tục đầu tư; tăng cường gặp gỡ trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, địa phương với các nhà đầu tư lớn để nắm rõ nhu cầu, tháo gỡ vướng mắc nhanh chóng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn DN Bình Dương, cũng cho rằng trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Bình Dương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Trong giai đoạn hiện nay, khi DN vẫn đang trải qua giai đoạn khó khăn thì sự đồng hành của tỉnh, các sở, ngành, địa phương chính là điểm tựa vững chắc giúp DN yên tâm. Đây cũng là yếu tố quan trọng đóng góp tích cực để Bình Dương đạt mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra trong năm 2025. (còn tiếp)

NGỌC THANH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/-chia-khoa-de-binh-duong-tang-truong-hai-con-so-bai-3-a341366.html