'Chìa khóa' để doanh nghiệp hội nhập thành công

Không phải máy móc mà con người mới là yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp hội nhập sâu rộng - là khẳng định của các chuyên gia kinh tế tại Tọa đàm 'Toàn cầu hóa kinh tế và thực tiễn quản lý nhân sự ở các nước đang phát triển - Trường hợp của Việt Nam' do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức.

Không có con người, máy móc hiện đại đến đâu cũng khó phát huy hiệu quả tối ưu. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Không có con người, máy móc hiện đại đến đâu cũng khó phát huy hiệu quả tối ưu. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tháng 2/2016, Viện Nghiên cứu các nền kinh tế đang phát triển (Nhật Bản) phối hợp với CIEM tiến hành cuộc khảo sát với 200 doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, hoạt động trong lĩnh vực điện tử, dệt may và giao thông vận tải. Đây là những doanh nghiệp hội nhập rất tốt vào nền kinh tế thế giới thông qua việc tích cực xuất khẩu hàng hóa ra thị trường bên ngoài.

Cụ thể, phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp đã từng du học hay làm việc tại các công ty xuyên quốc gia; hơn 60% các lãnh đạo doanh nghiệp FDI từng có kinh nghiệm làm việc, học tập ở nước ngoài và tỷ lệ này với các doanh nghiệp trong nước được khảo sát là 22,5%.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng rất quan tâm đến đời sống người lao động qua các chế độ đãi ngộ và có nhiều cách khuyến khích người lao động thông qua các chế độ tăng lương, thưởng, thậm chí thay đổi vị trí dựa trên hiệu quả công việc và những đóng góp của người lao động vào sự phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt, lãnh đạo các doanh nghiệp này cũng chú trọng đến công tác đào tạo các kỹ năng cho người lao động thông qua các chương trình ngắn hạn, dài hạn, tự đào tạo…

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:

DN hội nhập phải lấy con người làm trung tâm. Nếu không có con người, máy móc hiện đại đến đâu cũng khó phát huy hiệu quả tối ưu.

Một trong những doanh nghiệp điển hình thành công trong hội nhập được CIEM nhắc đến là Công ty Mây tre Hà Linh - doanh nghiệp 100% vốn tư nhân. Hiện nay, thị trường xuất khẩu chính của công ty là Mỹ, EU, Nhật Bản. Bà Trần Bình Minh - nghiên cứu viên của CIEM - cho rằng, khác với nhiều công ty khác của Việt Nam, Công ty Hà Linh đặc biệt quan tâm đến đời sống của người lao động cũng như ý thức của người lao động trong doanh nghiệp. Nhờ đó, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm được nâng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Từ kết quả nghiên cứu trên có thể khẳng định, nhân sự và phương pháp quản trị nhân sự đóng vai trò quan trọng đối với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp . Quản lý nhân sự tốt, sẽ kích thích sự sáng tạo của người lao động, đồng thời tạo ra đội ngũ lao động có trình độ cao, tác phong làm việc chuyên nghiệp, đây là cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo baocongthuong.com.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/thong-tin-doanh-nghiep/chia-khoa-de-doanh-nghiep-hoi-nhap-thanh-cong-115730.html