Chìa khóa để doanh nghiệp phát triển bền vững

Sau đại dịch Covid-19, ngày càng có nhiều các doanh nghiệp (DN) thay đổi tư duy, tầm nhìn với mục tiêu phát triển kinh tế phải đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển con người và xã hội. Quản trị DN bền vững và thực hành đánh giá DN trên khung ESG (môi trường-xã hội-quản trị) đang nổi lên là một xu hướng dẫn dắt cho đầu tư trên phạm vi toàn cầu.

DN quan tâm hơn đến phát triển bền vững

ESG là bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Có thể thấy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và tác động từ đại dịch Covid-19, ngày càng có nhiều DN Việt Nam quan tâm hơn tới việc tiếp cận các tiêu chí về ESG.

Kết quả nghiên cứu của Công ty TNHH PwC Việt Nam về “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam” vừa công bố cho thấy, có 80% DN Việt Nam đã cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG trong 2-4 năm tới. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra phần lớn DN tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu hành trình ESG và đang tồn tại một khoảng cách lớn từ kỳ vọng tới hành động.

Trong khi 57% các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã xây dựng các cam kết rõ ràng về ESG thì 58% các DN niêm yết tại Việt Nam lại đang tiếp cận theo hướng “quan sát và chờ đợi”. Lý do là hầu hết các DN trên đều là DN vừa và nhỏ, thiếu kiến thức về ESG.

Thu hoạch dưa trong nhà kính của Công ty TNHH Hương Việt Sinh, Hà Nội. Ảnh: MINH ĐỨC

Tại Việt Nam, nhiều DN bắt tay vào thực hành phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu ban đầu. Điển hình là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam sớm quan tâm đến yếu tố môi trường và tiến hành ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp và sản xuất; đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo; hệ thống biogas biến chất thải thành “tài nguyên” như phân bón hữu cơ, khí đốt; chung tay thực hiện trồng cây xanh.... Hoạt động này phát huy hiệu quả tiết kiệm chi phí năng lượng, đồng thời chung tay bảo vệ môi trường. Cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Quản trị chiến lược nguồn nhân sự, truyền thông và đối ngoại Công ty TNHH AEON Việt Nam cho hay, AEON Việt Nam tập trung vào 2 nhiệm vụ chính: Xây dựng hệ thống phân phối bền vững và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. AEON cam kết đồng hành với khách hàng trong hành trình hướng đến tiêu dùng bền vững thông qua nhiều chiến dịch và sáng kiến nổi bật như: Sử dụng 100% túi ni-lông phân hủy sinh học, “cho thuê túi môi trường”, ngừng bán các sản phẩm nhựa dùng một lần... Tính đến năm 2022, tỷ lệ hàng hóa nội địa trong hệ thống bán lẻ của AEON Việt Nam đạt 80%.

Đánh giá lợi ích khi thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư CME Solar, đơn vị chuyên đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo cho biết, lợi ích ESG mang lại là rất lớn, lợi ích lâu dài, có tính chất quan trọng trong hoạt động của DN. ESG giúp kiểm soát những rủi ro có thể phát sinh liên quan đến yếu tố môi trường, góp phần bảo vệ môi trường; giúp DN tối ưu hóa chi phí; hỗ trợ thu hút nguồn vốn đầu tư bền vững; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay phù hợp; gia tăng khả năng tiếp cận thị trường...

Thúc đẩy chuyển đổi số trong DN

Các hiệp định thương mại đã được tham gia ký kết đều đặt ra những điều khoản liên quan đến thực hành sản xuất, kinh doanh bền vững cho các DN muốn thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đơn cử như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã xây dựng riêng Chương 13 về thương mại và phát triển bền vững. Như vậy, phát triển bền vững không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu để DN có thể tồn tại, phát triển. Trước những yêu cầu cao về phát triển bền vững đối với DN, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng DN Vì sự phát triển bền vững Việt Nam nhận định, để thực hành ESG cũng như quản trị DN hiệu quả cần sự đầu tư, đặc biệt là sự chuyển đổi tư duy toàn diện từ phía lãnh đạo DN.

VCCI đã xây dựng thành công và giới thiệu Bộ chỉ số DN bền vững (CSI) đến cộng đồng DN từ năm 2016, hướng dẫn các DN tự đánh giá “sức khỏe” của mình trên các phương diện quản trị-kinh tế-xã hội-môi trường, từ đó thực hành quản trị DN chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Vì vậy nên VCCI khuyến nghị cộng đồng DN cần tích cực nghiên cứu, áp dụng Chỉ số Kinh doanh liêm chính (VBII), CSI để nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng nền móng phát triển vững chắc cho DN.

Còn theo bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trụ cột khác để DN tăng trưởng bền vững là chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong DN được hiểu là tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý của DN và tạo ra các giá trị mới. Các hoạt động chuyển đổi số bao gồm: Số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của DN; áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong DN... Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện vẫn còn những rào cản ảnh hưởng không nhỏ đến thúc đẩy chuyển đổi số trong DN, như chi tiêu cho nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn thấp và chưa thực chất.

Chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trong tương quan của Việt Nam năm 2018 chỉ bằng 0,4% GDP so với con số 3,3% GDP của Nhật Bản, 2,2% GDP của Singapore, 2,1% GDP của Trung Quốc. Cùng với đó, hành lang chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính phủ điện tử, các giao dịch, thủ tục hành chính trên nền tảng số vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, đây cũng là các thách thức, hạn chế cho DN khi xác định chiến lược, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số (tiêu chuẩn công nghệ, giao dịch thương mại điện tử, chứng thực số, thuế, hải quan...).

“Để thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số mô hình kinh doanh, hướng tới nền sản xuất xanh, tuần hoàn, bền vững, các DN cần chủ động ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tận dụng các yếu tố công nghệ vào các hoạt động của DN”, bà Bùi Thu Thủy chia sẻ.

KHÁNH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chia-khoa-de-doanh-nghiep-phat-trien-ben-vung-718082