Chìa khóa để du lịch Việt cất cánh: Thay đổi tư duy làm du lịch
Để du lịch Việt Nam không đi trước về sau trong cuộc đua thu hút du khách quốc tế, ông Nguyễn Quang Huy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn APEC cho rằng chìa khóa chính nằm ở việc thay đổi tư duy và cách làm du lịch.
Sau một năm mở cửa du lịch trở lại, du lịch Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định nhưng lượng khách quốc tế vẫn còn rất khiêm tốn với 3,7 triệu lượt. Làm thế nào để thu hút khách quốc tế quay trở lại là bài toán mà cả ngành du lịch còn trăn trở. Ông Nguyễn Quang Huy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn APEC đã có một số chia sẻ xoay quanh vấn đề này.
Thưa ông, trong danh sách hơn 100 điểm đến trên thế giới, Việt Nam nằm trong top những nước phục hồi chậm nhất về lượng khách quốc tế so với trước dịch mặc dù mở cửa du lịch từ rất sớm. Theo ông, điểm nghẽn ở đây là gì?
Theo tôi, có năm lý do chính khiến Việt Nam “hụt hơi” trong công cuộc thu hút khách du lịch quốc tế sau dịch.
Điểm nghẽn thứ nhất là chính sách visa của Việt Nam chưa có sức cạnh tranh. Nếu như Thái Lan miễn visa cho công dân ở 65 quốc gia với thời hạn lưu trú 45 ngày, Malaysia và Singapore miễn visa cho 162 nước…, thì số quốc gia được miễn thị thực ở Việt Nam mới chỉ có 13 nước, thời hạn lưu trú chỉ 15 ngày.
Thứ hai là hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế triển khai còn chậm. Đơn cử như khi Trung Quốc mở lại tour du lịch đợt 1 tới 20 quốc gia thì danh sách lại không có Việt Nam, phải tới 15/03/2023 Việt Nam mới có tên trong danh sách. Cần rút kinh nghiệm để thúc đẩy, thu hút du khách, đặc biệt là các thị trường khách có mức chi tiêu cao như Trung Quốc.
Thứ ba là chúng ta vẫn phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống mà bỏ quên các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Ấn Độ, Mỹ hay Bắc Ấu… khiến nguồn khách bị bó hẹp.
Thứ tư là sản phẩm du lịch chưa đa dạng, hấp dẫn, chưa có các chuỗi liên kết du lịch giữa các vùng và chưa làm nổi bật được bản sắc văn hóa riêng.
Thứ năm là sự thiếu hụt về nguồn nhân lực có năng lực chuyên môn và giàu kinh nghiệm.
Theo ông, để du lịch lấy lại quãng thời gian đã mất trong 3 năm dịch bệnh, cần có những giải pháp đột phá nào?
Sau giai đoạn Covid-19, các điểm đến đều mở cửa trở lại và mức độ cạnh tranh rất lớn. Để thu hút khách quay trở lại, tôi nghĩ chìa khóa nằm ở việc thay đổi tư duy về cách làm du lịch, hay nói cách khác là tư duy lại về sản phẩm du lịch.
Những động thái tích cực trong việc thay đổi chính sách của Chính phủ mới đây như sẽ tăng số quốc gia được miễn visa khi nhập cảnh Việt Nam, kéo dài thời hạn lưu trú với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử hay tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay thẳng kết nối Việt Nam sẽ giúp chúng ta tăng sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, chúng ta phải có cách làm mới, bài bản hơn, chuyên sâu hơn; sản phẩm, dịch vụ phải đa dạng, đậm đà bản sắc hơn chứ không thể đi lại lối mòn nữa. Tôi đặc biệt nhấn mạnh bản sắc văn hóa địa phương, bao gồm vật thể và phi vật thể, phải tích hợp để khách hàng khao khát tìm kiếm, khám phá đồng thời để khách hàng được trực tiếp tham gia như một thành viên trong chuỗi, họ sẽ cảm thấy mình là một phần trong không gian du lịch đó chứ không chỉ đơn thuần là đến thăm quan nghỉ dưỡng.
Việt Nam trong mắt du khách quốc tế vẫn được xem là một điểm đến du lịch giá rẻ, nghĩa là chúng ta vẫn đang cạnh tranh du lịch về giá chứ không phải là cạnh tranh về sản phẩm và chất lượng dịch vụ. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Theo tôi, nguyên nhân vừa là do chúng ta thiếu đầu tư, tiếp cận quảng bá chưa chạm sâu vào phân khúc khách cao cấp, vừa do chúng ta chưa có những sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn, có thể “buộc” du khách quốc tế hạng sang phải “rút hầu bao”.
Tôi nghĩ cần phải thay đổi chiến lược truyền thông, không nên truyền thông là điểm đến giá rẻ mà cần định vị Việt Nam là một điểm đến nghỉ dưỡng tuyệt vời, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày.
Về các sản phẩm du lịch, chúng ta cần bám sát xu hướng du lịch của khách quốc tế để xây dựng các tour, tuyến phù hợp, hấp dẫn; tạo ra các sản phẩm du lịch, chuỗi du lịch thực sự sang, xịn, giá thành hợp lý để khách hàng dễ dàng tiếp cận. Đồng thời chú trọng đến nâng cao trải nghiệm khách hàng, để khách hàng được trực tiếp nghe – nhìn – trải nghiệm – cảm nhận bản sắc văn hóa đa dạng, ẩm thực đặc sắc, cảnh quan tươi đẹp và con người nồng hậu của Việt Nam. Kết nối với yếu tố cảm xúc, tinh thần của du khách, đảm bảo đem lại các trải nghiệm du lịch độc đáo, nguyên bản, chân thực.
Được biết dự án APEC Mandala Wyndham Mũi Né do APEC triển khai có quy mô gần 3.000 phòng, là một trong 10 khách sạn lớn nhất châu Á. Đây là một thách thức không nhỏ khi đi vào vận hành. APEC đã chuẩn bị những gì và sẽ làm gì để nâng cao trải nghiệm khách hàng, thu hút và giữ chân du khách?
APEC Mandala Wyndham Mũi Né là một trong những dự án trọng điểm của APEC được chúng tôi dồn rất nhiều nguồn lực triển khai. Hiện công trình đã được nghiệm thu PCCC và chuẩn bị đi vào vận hành chính thức. Đây cũng là bài toán rất thách thức với APEC, tuy nhiên, chúng tôi cũng rất tự tin bởi đã có kinh nghiệm vận hành và bản thân khách sạn cũng như vùng biển Mũi Né đã có sức hấp dẫn riêng biệt.
100% căn hộ của APEC Mandala Wyndham Mũi Né đều có view biển có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh đại dương từ trên cao. Kiến trúc dự án được lấy cảm hứng từ văn hóa Phật giáo cùng văn hóa địa phương. Mỗi tòa tháp sẽ mang một nét kiến trúc khác biệt tượng trưng cho nền văn hóa của mỗi quốc gia Á Đông như Việt Nam, Tây Tạng, Bhutan hay Trung Quốc. Du khách bước vào đây sẽ trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc, qua đó tĩnh tại thân tâm, tái tạo nguồn năng lượng cho chính mình. Cùng hệ thống 129 tiện ích dịch vụ đẳng cấp, vận hành tiêu chuẩn, APEC Mandala Wyndham Mũi Né sẽ đem đến cho khách hàng trải nghiệm chăm sóc Thân - Tâm - Trí toàn diện.
Đồng thời, để khách hàng được trải nghiệm văn hóa vùng miền, địa phương một cách chân thực, thú vị và sâu sắc, chúng tôi đã lên kế hoạch tổ chức các show diễn thực cảnh về Mũi Né, Bình Thuận, các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc… Những điểm này sẽ tạo dấu ấn riêng cho khách sạn và khiến khách hàng mong muốn quay lại trải nghiệm, khám phá nhiều hơn.
Hiện chúng tôi đã làm việc với các hãng tour lớn trong và ngoài nước, sẽ xúc tiến tổ chức các chuyến bay charter để đảm bảo tỉ lệ lấp đầy ngay khi khách sạn đi vào hoạt động.