Chìa khóa để hàng thủy sản gia tăng giá trị

Là nước có thế mạnh về xuất khẩu thủy sản, đứng hàng đầu thế giới về sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu, nhưng thủy sản Việt Nam vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng quốc tế biết tới.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nỗi đau “hàng giá rẻ”

Mặc dù đứng top đầu thế giới về xuất khẩu thủy sản, song nhiều doanh nghiệp thủy sản, Hiệp hội thủy sản khắp cả nước vẫn luôn canh cánh nỗi niềm về nhãn dán “hàng giá rẻ” của thủy sản Việt Nam.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn nhận định, giá rẻ là lợi thế cạnh tranh, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng tới tâm lý của người tiêu dùng đối với thủy sản Việt Nam, khi họ cho rằng “tiền nào của nấy”.

“Mục tiêu cuối cùng của làm thương hiệu cho thủy sản Việt chính là để người tiêu dùng, người mua chấp nhận trả giá cao hơn cho sản phẩm, mà vẫn tăng được số lượng sản phẩm bán ra”, bà Tâm nói.

Đối với cá tra - mặt hàng chủ lực của Vĩnh Hoàn, bà Tâm cho biết, cá tra Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài chủ yếu được tiêu thụ trong các nhà hàng dưới những cái tên “sang chảnh”. Điều này khiến cho mức độ nhận diện của người tiêu dùng đối với cá tra Việt Nam bị hạn chế, họ có thể ăn cá tra của Việt Nam, nhưng sẽ không tìm mua cá tra Việt Nam.

Trong khi đó, đây là một mặt hàng có rất nhiều lợi thế để xây dựng thương hiệu quốc tế, hiện đã có 44 vùng nuôi cá tra Việt Nam được cấp chứng nhận ASC, nuôi cá tra được đánh giá là có dấu chân carbon (carbon footprint) ở mức thấp trong nuôi trồng thủy sản. Các doanh nghiệp có sự quan tâm, nỗ lực đạt được những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội ở từng khâu trong chuỗi giá trị cá tra, từ sản xuất cá giống, nuôi cá thương phẩm, đến chế biến, xuất khẩu.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với nhiều mặt hàng thủy sản khác. Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, cua Cà Mau đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng còn kém về thương hiệu. Giá cua đến tay người tiêu dùng Trung Quốc có giá cao gấp 4 - 5 lần giá thương lái thu mua tại ruộng, song tại các trung tâm phân phối thủy sản lớn của Trung Quốc như Quảng Tây, Quảng Châu, thương hiệu cua Cà Mau hoàn toàn không tồn tại. Điều này rất lãng phí khi thủy sản Việt đã không tận dụng được một thị trường lớn và tiềm năng.

Chung tay làm thương hiệu

Nói về vấn đề xây dựng thương hiệu cho thủy sản Việt Nam, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Lê Group thẳng thắn, đừng nghĩ rằng cứ bán rẻ là được.

“Thủy sản Việt Nam cần phải nâng mức giá lên, tất nhiên không phải quá cao so với giá trị sản phẩm, nhưng phải đạt được mức độ kỳ vọng. Đây cũng chính là mục tiêu trong cả kinh doanh và marketing. Cần phải tìm cách tạo ra giá trị gia tăng, giá trị cảm xúc cho sản phẩm, thay vì chỉ nhăm nhe hạ giá”, ông Vinh nói.

Để nâng được giá trị sản phẩm, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt nam (VASEP) nhấn mạnh, cần sự đồng lòng, chung tay làm thương hiệu của các doanh nghiệp.

“Phải xây dựng một thương hiệu tập thể, một thương hiệu lớn, uy tín và duy nhất để quảng bá cả trong và ngoài nước, nhất là trong xu hướng hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, net zero của thị trường thế giới hiện nay”, bà Minh nêu quan điểm.

Muốn xây dựng được thương hiệu, cần sự liên kết nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và sự đồng lòng trong chuỗi giá trị thủy sản, bởi không một đơn vị, doanh nghiệp nào có đủ nguồn lực để xây dựng một thương hiệu lớn như vậy.

Theo bà Minh, trong tiến trình xây dựng thương hiệu cho thủy sản Việt Nam, chuỗi giá trị liên kết trong ngành phải có tiêu chuẩn thống nhất, ổn định chất lượng, kết nối người nông dân vào trong thương hiệu của ngành.

Các chuyên gia kiến nghị, ngành thủy sản Việt Nam nên tự xây dựng các tiêu chuẩn, chứng nhận riêng của mình, thay vì phải đợi người khác đến chứng nhận giúp. Đồng thời, để có một thương hiệu chung, cần phải có một quỹ chung của các doanh nghiệp, đơn vị, hiệp hội để phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, ở thời điểm này, để phát triển một quỹ chung như vậy là rất khó, cần phải có sự ủng hộ từ các bộ, ban, ngành. Cũng phải cân nhắc về việc nếu thành lập quỹ sẽ đóng thuế như thế nào, do ai quản lý...

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Công ty Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung cho rằng, để phát triển chuỗi liên kết và nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt Nam, trước hết phải bắt đầu từ niềm tin. Đó là niềm tin của tất cả các mắt xích trong chuỗi. Bên cạnh đó, phải ổn định chất lượng, sản lượng, thông qua quy hoạch. Quy hoạch sẽ giúp hiểu rõ việc sản xuất đang theo quy trình nào.

Nguyễn Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chia-khoa-de-hang-thuy-san-gia-tang-gia-tri-d192934.html