'Chìa khóa' để phát triển bền vững

Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trên cơ sở đó, tỉnh luôn xác định nâng cao chất lượng dân số trong giai đoạn hiện nay là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là 'chìa khóa vàng' mở ra cơ hội phát triển bền vững, sớm đưa Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Truyền thông và tư vấn các biện pháp KHHGĐ cho phụ nữ xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập.

(baophutho.vn) - Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trên cơ sở đó, tỉnh luôn xác định nâng cao chất lượng dân số trong giai đoạn hiện nay là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là “chìa khóa vàng” mở ra cơ hội phát triển bền vững, sớm đưa Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Nỗ lực đạt mục tiêu
Với sự nỗ lực của ngành Y tế cùng các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, mục tiêu giảm mức sinh và tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên của tỉnh đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tính đến tháng 11/2021, số trẻ em sinh ra là 16.840 trường hợp, giảm 2.116 trường hợp (-11,16%) so với cùng kỳ năm 2020; tổng các biện pháp tránh thai hiện đại 92.069 ca, đạt 91,7% kế hoạch năm, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2020. Dự ước kết quả năm 2021: Tỉ lệ tăng tự nhiên dân số 1,036%; mức giảm tỉ suất sinh: 0,4%o; tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 48%. Toàn tỉnh có hai xã Tân Sơn, Vinh Tiền (thuộc huyện Tân Sơn) và 1.115 khu dân cư đạt thành tích không có người sinh con thứ ba trở lên. Có được những kết quả trên là nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng công tác truyền thông từ tỉnh đến cơ sở. Ngành Y tế đã thành lập đội truyền thông, dịch vụ lưu động để tổ chức chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ tại 110 xã thuộc vùng khó khăn và vùng có mức sinh cao thuộc 13 huyện, thành, thị. Nhằm thực hiện mục tiêu về giảm mức sinh và tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên, huyện miền núi Yên Lập đã triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng mô hình can thiệp giảm tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên và mất cân bằng giới tính khi sinh đến năm 2020, tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai chương trình điều chỉnh tổng tỉ suất sinh (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) đến năm 2030 còn 2,1 con. Nhờ đó, so với năm 2020, tỉ suất sinh năm 2021 của huyện giảm 0,25%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra; tỉ lệ sinh con thứ ba giảm 0,21%. Ông Bàng Ngọc Thạch - Giám đốc Trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa gia đình huyện Yên Lập cho biết: Trên tinh thần chỉ đạo của cấp trên, đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp truyền thông đến người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức trên 40 hội nghị truyền thông, 12 buổi sinh hoạt ngoại khóa, thu hút trên 2.100 lượt người và 3.000 lượt học sinh tham gia; tư vấn, khám sức khỏe sinh sản cho hơn 3.600 lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; tuyên truyền, tư vấn 650 lượt nam, nữ đến đăng ký kết hôn tại UBND xã, thị trấn và 300 công nhân tại Cụm công nghiệp Yên Lập. Toàn huyện duy trì 186 góc truyền thông tại nhà văn hóa khu dân cư, 24 Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, 17 Câu lạc bộ “Bạn gái tiêu biểu”... Trong năm 2021, Chi cục Dân số- KHHGĐ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức truyền thông về sàng lọc trước sinh và tư vấn lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho hơn 5.000 công nhân ở các doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giới thiệu các sản phẩm thuộc Đề án 818 xã hội hóa các phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ/SKSS; tổ chức các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu, nói chuyện chuyên đề; truyền thông trực tiếp tới các đối tượng tại cơ sở… Đồng thời, ngành dân số cũng đảm bảo hậu cần, phương tiện tránh thai, cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ được duy trì và đẩy mạnh theo hướng đa dạng hóa, mở rộng các kênh cung ứng, đảm bảo kịp thời, an toàn, thuận lợi.

Học sinh Trường THPT Yển Khê, xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba tìm hiểu các kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả bốn đề án
Bên cạnh việc thực hiện chỉ tiêu cụ thể đã đề ra, ngành dân số tiếp tục triển khai có hiệu quả bốn đề án lớn để nâng cao chất lượng dân số gồm: Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên; tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số…Cán bộ dân số xã Tân Phú, huyện Tân Sơn Phùng Thị Tuyết cho biết: Để nâng cao chất lượng dân số, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền khu dân cư, đoàn thể, xây dựng, thành lập, vận động nhân dân tham gia các mô hình câu lạc bộ tương ứng, phù hợp với các đối tượng. Hiện trên địa bàn thành lập bốn mô hình câu lạc bộ, gồm: Phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên; phụ nữ có con trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên; người cao tuổi giúp người cao tuổi; mất cân bằng giới tính khi sinh, thu hút đông đảo các đối tượng người dân tham gia. Thông qua các câu lạc bộ, chúng tôi đã tổ chức các hội nghị truyền thông theo nhóm lớn, nhóm nhỏ để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chính sách dân số - KHHGĐ...Đề án tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên cũng được triển khai thực hiện hiệu quả ở các địa phương, góp phần giảm tỉ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS, giảm tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên, đáp ứng cơ bản nhu cầu cung cấp thông tin, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản/ KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên. Song song với đó, Đề án chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng phát huy tính hiệu quả ở hầu khắp các địa phương. Ông Đào Ngọc Tá, người cao tuổi khu 5, phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì cho biết: “Được cán bộ y tế, cán bộ dân số tư vấn, hướng dẫn, chúng tôi đã biết cách tự chăm sóc bản thân, tích cực tham gia luyện tập thể dục thể thao, giao lưu trong các câu lạc bộ dân vũ, yoga nên thấy mình khỏe mạnh hơn”.Nhờ thực hiện đồng bộ các đề án, chất lượng dân số của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Chỉ số phát triển con người (HDI) tương đương với cả nước; tỉ lệ suy dinh dưỡng và tỉ suất tử vong ở trẻ em thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; trên 60% phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp sớm một số bệnh, tật; tầm vóc, thể lực của người dân được cải thiện; tuổi thọ trung bình tăng lên đạt 73,4 tuổi...Đồng chí Nguyễn Việt Phương - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Sở Y tế cho biết: Để nâng cao chất lượng dân số, Phú Thọ tiếp tục tập trung thực hiện năm nhóm giải pháp, trong đó tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; tranh thủ nguồn lực đầu tư từ Trung ương, tăng mức đầu tư từ ngân sách địa phương, tích cực tranh thủ các nguồn viện trợ, huy động sự đóng góp của nhân dân, bảo đảm kinh phí thực hiện công tác dân số và phát triển. Ưu tiên triển khai các chương trình, dự án nâng cao chất lượng cuộc sống đối với các vùng đông dân có mức sinh cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Ngành tích cực đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục, chuyển đổi hành vi; mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ dân số/SKSS/KHHGĐ; thực hiện có hiệu quả các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số, tăng cường phối hợp liên ngành để nâng cao toàn diện thể chất, trí tuệ và tinh thần, tạo tiền đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Lệ Oanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202201/%E2%80%9Cchia-khoa%E2%80%9D-de-phat-trien-ben-vung-182054