'Chìa khóa' để tạo sự đột phá phát triển khoa học công nghệ

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bắt đầu từ đột phá trong phát triển giáo dục đại học.

Động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế

Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới trở thành quốc gia có thu nhập cao, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành một nhiệm vụ trọng tâm, đóng vai trò quyết định trong chuyển dịch mô hình tăng trưởng.

Tại hội nghị phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì chiều ngày 11/2 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của liên kết giữa Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, hệ thống giáo dục đại học chính là nền tảng để phát triển nhân lực KHCN, ĐMST và chuyển đổi số.

Nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực khoa học, công nghệ đóng vai trò quyết định quá trình chuyển dịch nền kinh tế từ thâm dụng nhân công, thâm dụng vốn, tới thâm dụng tri thức và công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, để đột phá phát triển KHCN, phải chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. (Ảnh: VGP).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, để đột phá phát triển KHCN, phải chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. (Ảnh: VGP).

Thu hút và phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao, nhất là đội ngũ nhân tài công nghệ, ngày nay đã trở thành yếu tố cạnh tranh cốt lõi giữa các quốc gia, trong đó hệ thống giáo dục đại học giữ vai trò nòng cốt.

Các cơ sở giáo dục đại học vừa là cái nôi đào tạo nhân lực chất lượng cao, nuôi dưỡng và phát triển nhân tài khoa học, công nghệ; nhiều đại học đồng thời là những trung tâm nghiên cứu lớn, đi đầu trong chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.

"Do vậy, để tạo đột phá phát triển KHCN, ĐMST, chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bắt đầu từ đột phá trong phát triển giáo dục đại học.

Có thể khẳng định rằng, nếu không có đột phá trong phát triển các trường đại học thì không có đột phá trong phát triển nhân lực chất lượng cao và cũng khó có đột phá trong phát triển KHCN, ĐMST", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Để thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ GD&ĐT xác định ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế giáo dục đại học, tháo gỡ các rào cản về tài chính và cơ chế vận hành, đẩy mạnh tự chủ đại học để các trường trở thành trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học, nâng cao năng lực quản trị và sắp xếp lại hệ thống trường đại học theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đồng thời, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là các phòng thí nghiệm trọng điểm.

Thứ ba, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực STEM phục vụ công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, điện hạt nhân, đường sắt… để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới.

Cầu nối giữa nghiên cứu và thương mại hóa

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, muốn phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số cần nhân lực chất lượng cao. Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các trường đại học cần thu hút được nghiên cứu.

"Điều này cần Nhà nước, các doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu. Trường đại học phải trở thành trung tâm nghiên cứu, muốn vậy, trường đại học cần trở thành thỏi nam châm hút các nghiên cứu. Thỏi nam châm đó là các phòng thí nghiệm mà các doanh nghiệp không đủ sức đầu tư, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu.

Nhà nước cần có chương trình lớn đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các trường đại học. Trong 75.000 tỷ năm 2025 chia cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nên dành 5.000 tỷ cho đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các trường đại học.

Ở góc nhìn khác, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, về nhân lực, không nên theo lối cũ là cứ đào tạo. Ví dụ việc đào tạo công nhân cho nhà máy lắp ráp chip theo tiêu chuẩn của Đài Loan (Trung Quốc) thì phải theo giáo trình của họ, chứ không phải chúng ta cứ đào tạo là được.

"Vậy với nhu cầu nhân lực thì chúng ta hỗ trợ qua đầu nào? Nếu như hỗ trợ hết cho các trường đại học, đào tạo không có địa chỉ thì có phải lãng phí, mà sinh viên ra trường lại không dùng được", ông Thanh trăn trở.

Về cơ chế đặt hàng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất, Nhà nước thiết kế cơ chế phân phối lợi nhuận, còn người trực tiếp phân phối lợi nhuận nên là doanh nghiệp chứ không phải Nhà nước. Doanh nghiệp có nhu cầu về một nghiên cứu nào đó thì đặt hàng các viện bằng cơ chế thị trường, lúc đó sẽ thoát khỏi việc chi tiêu ngân sách. Nếu không thay đổi mà vẫn kiểu hóa đơn, quyết toán đơn thuần như chi ngân sách thì không làm KHCN được.

Thu An

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/-chia-khoa-de-tao-su-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe/20250211053421375