Chìa khóa giảm nghèo - dòng vốn biết lắng nghe
Tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Hòa Bình giảm từ 15,49% năm 2020 còn 6,59% vào cuối năm 2024. Hơn 9% sau 4 năm - đó không chỉ là con số trong báo cáo, mà là kết tinh của một hành trình âm thầm, đều đặn và kiên trì. Hành trình khởi nguồn từ những chính sách
Tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Hòa Bình giảm từ 15,49% năm 2020 còn 6,59% vào cuối năm 2024. Hơn 9% sau 4 năm - đó không chỉ là con số trong báo cáo, mà là kết tinh của một hành trình âm thầm, đều đặn và kiên trì. Hành trình khởi nguồn từ những chính sách "đúng và trúng”, bền bỉ qua hàng trăm công trình hạ tầng giữa lưng chừng núi, lan tỏa từ lớp học nghề trong ánh nhìn bỡ ngỡ của người trẻ vùng cao, đến những sinh kế mới giữa đồi nương cằn khô. Và cả trong những tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) - thứ tưởng chừng nhỏ bé, nhưng đã kịp làm dịu đi bao nỗi lo lớn trong mỗi hộ nghèo.

Đường về xã Vầy Nưa - một trong những xã khó khăn bậc nhất của huyện vùng cao Đà Bắc nay đã bớt đi phần khó bởi sự góp sức từ các nguồn vốn đầu tư.
Giai đoạn 2021 - 2024, tổng nguồn lực dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại Hòa Bình đạt hơn 740 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương chiếm gần như tuyệt đối với 732,6 tỷ đồng. Không cần phải đi xa để thấy rõ hiệu quả của chính sách giảm nghèo, chỉ cần nhìn về Đà Bắc. Là huyện nghèo nhất của tỉnh, người dân sống trong cảnh thiếu thốn cả điện lẫn nước sạch, Đà Bắc hôm nay "thay da đổi thịt" từng ngày.
Gần 300 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia được rót về vùng đất này trong 4 năm qua. Nhờ đó, 489 công trình lớn nhỏ đã thành hình: từ con đường bê tông xuyên rừng nối bản với trung tâm, đến cầu nhỏ vắt qua những dòng suối mùa mưa chia cắt cộng đồng. Có trường học mới giữa bốn bề núi cao, nhà văn hóa được tu sửa để cuối tuần trẻ nhỏ có chỗ múa hát, người già có nơi hội họp. Từng hạng mục không chỉ mang ý nghĩa hạ tầng, mà còn là chiếc chìa khóa mở ra tương lai khác biệt.
Nhưng thay đổi lớn nhất không nằm ở bê tông hay cốt thép. Đó là khi người dân không còn chỉ biết trông vào trời, mà bắt đầu học cách làm ăn bài bản. Huyện đã triển khai hàng chục dự án hỗ trợ sinh kế, từ đàn dê sinh sản, bò lai Sind đến các lớp dạy nghề, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Trên toàn tỉnh, hơn 5.300 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo đã nhận được hỗ trợ, trong đó, Đà Bắc là một trong những điểm triển khai tích cực nhất. Những đàn bò con đầu tiên chào đời trên sườn đồi, tiếng máy móc thay cho tiếng thở dài trong các chuồng trại xập xệ, tất cả là dấu hiệu cho thấy cái nghèo dần đẩy lùi bằng chính bàn tay của người dân.
Một chính sách đúng chỉ thực sự có sức sống khi đi vào được từng thôn bản, từng nếp nhà. Và Đà Bắc, từ chỗ là một vùng lõm trong bản đồ phát triển của tỉnh, đang dần trở thành câu trả lời thuyết phục cho bài toán giảm nghèo bền vững.
Nghèo không chỉ là thiếu ăn, thiếu mặc, mà là thiếu cả niềm tin để đứng dậy. Hiểu điều đó, tỉnh Hòa Bình đã đặc biệt chú trọng các chính sách an sinh nền tảng. Trong 4 năm, tỉnh đã cấp miễn phí gần 1,9 triệu thẻ BHYT, với tổng kinh phí trên 1.300 tỷ đồng.
Bà Đinh Thị Tâm, 60 tuổi, người dân tộc Mường ở xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi từng có thói quen chữa bệnh bằng… lá cây rừng. "Hồi ấy tôi bị đau gan mà chỉ đắp thuốc Nam rồi nằm nhà, sợ lên viện tốn bạc triệu”. Bà kể. Mãi đến cuối năm 2023, bà được cán bộ xã phát cho tấm thẻ BHYT, kèm lời dặn: "Đau đâu cứ đi viện, có thẻ rồi!”. Ban đầu bà còn dè dặt, nhưng cơn đau dữ dội buộc bà phải lên bệnh viện tỉnh khám. Lúc cầm kết quả trên tay, bác sỹ nói nhẹ tênh: "Bảo hiểm của bà thanh toán hết rồi, không mất đồng nào cả”. Bà Tâm như không tin vào tai mình. "Tôi cứ ngỡ mình đang nằm mơ”, bà rưng rưng. "Trước tôi đau chỉ xin lá cây uống. Giờ yên tâm rồi, tôi biết nếu bệnh cũng không phải chọn giữa bữa ăn và toa thuốc nữa”.
Đặc biệt, Hòa Bình cũng là tỉnh chủ động ban hành các chính sách đặc thù: hỗ trợ tiền Tết cho hộ nghèo, bổ sung kinh phí mua BHYT cho hộ cận nghèo, ưu tiên vay vốn tín dụng cho các nhóm yếu thế. Chính những "cú chạm nhỏ” từ chính sách đã giúp người dân tự tin bước tiếp hành trình thoát nghèo.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,59%, mục tiêu năm 2025 đặt ra là 5,31% - những con số đang dần hiện hữu trên từng mái nhà, mảnh ruộng, khu chăn nuôi và phiên chợ việc làm vùng cao. Nhưng điều đáng mừng nhất, có lẽ là sự thay đổi trong nhận thức: người dân đã thôi chờ đợi, mà chủ động tìm cách thoát nghèo.
Giảm nghèo bền vững, xét đến cùng, không phải chỉ là đưa người dân qua ngưỡng thu nhập, mà là mở cho họ một lối đi, để rồi chính họ bước tiếp bằng đôi chân của mình.