'Chìa khóa' giúp bộ đội mở lòng

Làm cho bộ đội, nhất là những đồng chí có hoàn cảnh đặc biệt, ngại giao tiếp luôn sẵn sàng mở lòng chia sẻ, giãi bày tâm tư, suy nghĩ vừa là nhiệm vụ, vừa là dấu ấn thể hiện năng lực của người chỉ huy. 'Chìa khóa', bí quyết nào để mở lòng bộ đội? Trang 'Ý kiến chiến sĩ' chia sẻ mong muốn, kinh nghiệm về vấn đề này của cán bộ, chiến sĩ tại một số đơn vị thuộc Quân khu 3.

Binh nhất Lê Khắc Tập, chiến sĩ thuộc Tiểu đội Đại liên, Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 8 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) có hoàn cảnh đáng thương: Bố mất từ năm 2016, một mình mẹ làm công nhân nuôi 3 chị em Tập ăn học rất vất vả. Hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến Tập cảm thấy tự ti với đồng đội, ngại tham gia các hoạt động chung của đơn vị. Là cán bộ quản lý trực tiếp, Thượng úy Cao Ngọc Duy, Chính trị viên Đại đội 3 cùng với tiểu đội trưởng tăng cường gặp gỡ, giúp đỡ, kết hợp gọi điện về phối hợp cùng gia đình động viên Tập. Sự quan tâm chân thành của chỉ huy và đồng đội đã tạo thiện cảm giúp Tập cởi mở hơn, dần hòa đồng, yên tâm công tác.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đảo Trần, Lữ đoàn 242 (Quân khu 3) chơi bóng chuyền trong ngày nghỉ.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đảo Trần, Lữ đoàn 242 (Quân khu 3) chơi bóng chuyền trong ngày nghỉ.

Thời gian qua, chỉ huy các đơn vị thuộc Quân khu 3 chú trọng triển khai đồng bộ biện pháp, thông qua nhiều kênh khác nhau nhằm giúp bộ đội được giãi bày tâm tư, đề đạt nguyện vọng, đóng góp ý kiến xây dựng đơn vị mọi lúc, mọi nơi. Trực tiếp và tiến hành thường xuyên hiện nay đó là bộ đội được phản ánh, đóng góp ý kiến thông qua sinh hoạt ở các cấp, học tập, giao ban hằng ngày, Ngày chính trị và văn hóa, tinh thần tổ chức hằng tháng. Trường hợp cấp bách hoặc đột xuất, bộ đội có thể gặp trực tiếp chỉ huy để kiến nghị, đề nghị; những vấn đề nhạy cảm, khó trình bày trực tiếp trước tập thể có thể đóng góp ý kiến thông qua bỏ phiếu kín hoặc “Hòm thư góp ý”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy làm sao để bộ đội tìm đến sẻ chia mỗi khi có tâm tư, tình cảm lại là bài toán khó đối với đội ngũ cán bộ các cấp. Thêm vào đó, đặc thù hoạt động môi trường quân sự có sự phân định cấp trên, cấp dưới, cộng thêm tính kỷ luật nghiêm minh cũng ít nhiều tạo ra khoảng cách nhất định giữa cán bộ với chiến sĩ. Bên cạnh yếu tố khách quan, nguyên nhân chủ quan, trực tiếp và quan trọng khiến chiến sĩ ngại mở lòng đó là một số chỉ huy đơn vị thiếu tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của chiến sĩ, nặng về mệnh lệnh hành chính, thậm chí còn có biểu hiện gia trưởng, độc đoán, áp đặt. Điều này khiến chiến sĩ nảy sinh tâm lý sợ chỉ huy, tránh mặt cấp trên, khi có chuyện buồn hoặc nảy sinh tâm tư, tình cảm thường giữ kín trong lòng. Vì vậy, cán bộ chỉ thực sự trở thành điểm tựa, chỗ dựa của chiến sĩ khi khoảng cách ấy được rút ngắn hoặc xóa bỏ. Binh nhất Nguyễn Thế Duyệt, chiến sĩ thuộc Tiểu đội 2, Trung đội 4, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513 (Quân khu 3) mong muốn: “Trong công việc cần phân định rõ cấp bậc, chức vụ. Tuy nhiên, giờ nghỉ, ngày nghỉ hay trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày thì cán bộ nên gần gũi, thân thiện, hòa đồng với chiến sĩ, tích cực tham gia giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao cùng bộ đội. Thông qua những hoạt động thường ngày là điều kiện tốt để chúng tôi thuận tiện bày tỏ tâm tư, đề đạt nguyện vọng với chỉ huy”.

Có nhiều năm kinh nghiệm quản lý, huấn luyện bộ đội, Trung tá Trịnh Ngọc Vinh, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 2, Sư đoàn 395, chỉ ra: “Một số đồng chí hoàn cảnh gia đình khó khăn, là đồng bào dân tộc thiểu số... khi nhập ngũ vào đơn vị thường có tâm lý tự ti; một số đồng chí khác có lối sống khép kín, ngại giao tiếp, rất khó nắm bắt tâm tư. Đối với những đồng chí này, cần phân loại, có biện pháp giáo dục, động viên và nắm bắt tư tưởng riêng, linh hoạt. Trường hợp đặc biệt cần phân công cán bộ theo dõi, giúp đỡ riêng, trực tiếp, không để diễn biến tư tưởng xấu có thể dẫn đến vi phạm kỷ luật. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự cởi mở, chân thành, gần gũi của người chỉ huy”.

Đồng tình với quan điểm này, Đại tá Nguyễn Sơn, Chính ủy Lữ đoàn 513 cho rằng, muốn bộ đội mở lòng thì “chìa khóa” chính là ở đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trực tiếp làm công tác quản lý, huấn luyện. Cán bộ phải thực sự như người anh, người bạn thường xuyên gần gũi, lắng nghe, sẻ chia và tôn trọng các ý kiến đóng góp của bộ đội; giải thích thấu tình đạt lý tâm tư, nguyện vọng chính đáng mà chiến sĩ đề đạt. Cán bộ tuyệt đối không được hứa suông, gia trưởng, quan liêu, áp đặt, dân chủ hình thức, đoàn kết xuôi chiều. Chỉ có như vậy, ý “cán” mới hợp lòng “binh”, bộ đội mới tin tưởng cán bộ để sẵn sàng tìm đến tâm sự, sẻ chia và chủ động hiến kế xây dựng đơn vị.

Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ để bộ đội tin tưởng, tìm đến sẻ chia tâm tư, thẳng thắn đóng góp ý kiến không chỉ giúp chỉ huy các cấp nắm, quản lý, giải quyết kịp thời tư tưởng nảy sinh; thông qua đó còn phát huy được trí tuệ tập thể; tạo bầu không khí dân chủ, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong đơn vị; tăng cường mối đoàn kết gắn bó cán-binh; giúp cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì vậy, cùng với phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, các đơn vị cần duy trì hoạt động hiệu quả của các tổ, nhóm như: “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý”, “Tổ chiến sĩ bảo vệ”, “Đôi bạn cùng tiến” để có thêm “kênh” nắm tâm tư, tình cảm bộ đội. Các đơn vị cũng cần chủ động đổi mới hình thức sinh hoạt đối thoại dân chủ bằng cách tổ chức sinh hoạt đối thoại với chiến sĩ không có cán bộ tham dự; kết hợp sinh hoạt hỏi, trả lời trực tiếp với phát phiếu thăm dò để chiến sĩ viết ý kiến, kiến nghị, đề xuất...

Bài và ảnh: TRƯỜNG SƠN

-----------------------

Tâm tình-Kiến nghị

Giúp bộ đội tự tin vào bản thân

Xác định đơn vị là nhà, đồng chí, đồng đội là anh em ruột thịt nên cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 1, Tiểu đoàn Công binh 17, Sư đoàn 315 (Quân khu 5) luôn vui vẻ, hòa đồng, cởi mở, nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong thời gian đầu mới về đơn vị, một số đồng chí vẫn còn rụt rè, ngại tiếp xúc với đồng đội, chỉ huy đơn vị, nhất là các đồng chí là người dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, bởi đặc điểm vùng miền, phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt có phần khác biệt với đồng đội quanh mình. Tháng 6 vừa qua, sau khóa huấn luyện chiến sĩ mới, Binh nhất La Lan Thuận, chiến sĩ Tiểu đội 1, Trung đội 1 được cấp trên điều động về đơn vị tôi nhận nhiệm vụ. Tuy có năng khiếu văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, song những ngày đầu Thuận lại tỏ ra rụt rè, e ngại, không muốn tham gia. Được cấp trên và đồng đội động viên, giúp đỡ, dần dần Thuận tự tin, hòa đồng và cởi mở hơn trong mọi hoạt động cũng như đời sống hằng ngày. Hiện nay, La Lan Thuận là một trong những hạt nhân văn nghệ nổi trội và là tay chuyền số một trong đội bóng chuyền của đơn vị.

Bộ đội Đại đội 1, Tiểu đoàn Công binh 17, Sư đoàn 315 (Quân khu 5) đọc báo trong giờ nghỉ. Ảnh: THUẬN AN

Bộ đội Đại đội 1, Tiểu đoàn Công binh 17, Sư đoàn 315 (Quân khu 5) đọc báo trong giờ nghỉ. Ảnh: THUẬN AN

Từ kinh nghiệm thực tế sau nhiều năm công tác, tôi nhận thấy, để bộ đội hòa nhập đơn vị, mạnh dạn chia sẻ suy nghĩ thì người chỉ huy phải thường xuyên quan tâm, gần gũi, chia sẻ, động viên, giúp họ từng bước phấn đấu vươn lên. Thông qua các buổi sinh hoạt, học tập, cán bộ các cấp cần lồng ghép, tuyên truyền sâu rộng về niềm vinh dự, tự hào khi trở thành người chiến sĩ; động viên bộ đội phát huy tình yêu thương đồng chí, đồng đội; thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của chiến sĩ; tạo điều kiện để bộ đội tham gia các hoạt động nhằm phát huy những điểm mạnh và tự tin hơn về bản thân, có động cơ phấn đấu tốt trong thời gian tại ngũ.

Thượng úy NGUYỄN NGỌC KHANH

(Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn Công binh 17, Sư đoàn 315, Quân khu 5)

----------

Tôn trọng, nhiệt tình giúp đỡ đồng đội

Tiểu đội Đại liên, Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324, Quân khu 4) của chúng tôi có các chiến sĩ đến từ nhiều vùng, miền trên cả nước. Mỗi đồng chí có một hoàn cảnh riêng và mang theo những nét văn hóa đặc trưng của địa phương mình; có những người rất cởi mở, dễ dàng chia sẻ và hòa nhập, nhưng cũng có người sống khép kín, ngại giao tiếp với đồng đội. Trong tiểu đội có 3 đồng chí là người dân tộc Thái và Dao, luôn ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình nhưng cũng trầm lặng, ít giao tiếp và giữ khoảng cách với các đồng đội khác khi mới về đơn vị.

Giờ giải lao trên thao trường của bộ đội Trung đội 5, Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324, Quân khu 4). Ảnh: GIANG ĐÌNH

Giờ giải lao trên thao trường của bộ đội Trung đội 5, Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324, Quân khu 4). Ảnh: GIANG ĐÌNH

Nguyên nhân chính của rào cản này là sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, cộng với hoàn cảnh khó khăn khiến 3 chiến sĩ cảm thấy tự ti, mặc cảm. Như đồng chí Lương Văn Huỳnh, người dân tộc Thái, khi mới về đơn vị sống khép kín, tách biệt với các hoạt động tập thể và ngại giao tiếp với đồng đội. Nhận thấy điều này, tôi đã chủ động gần gũi, thăm hỏi và động viên. Hằng ngày, tôi hướng dẫn đồng chí từ việc sắp xếp đồ dùng cá nhân, thực hiện nhiệm vụ đến tham gia các hoạt động tập thể. Trong sinh hoạt đơn vị, tôi đề nghị các đồng chí trong tiểu đội lần lượt giới thiệu về bản thân, gia đình, quê quán, tạo sự hòa đồng và cởi mở giữa các chiến sĩ. Biết đồng chí Lương Văn Huỳnh có khả năng văn hóa-văn nghệ, tôi giới thiệu và khuyến khích đồng chí thể hiện trong các buổi sinh hoạt tập thể và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ đồng đội. Cảm thấy được ủng hộ và ghi nhận, đồng chí Huỳnh dần cởi mở, hòa nhập tốt và trở thành một chiến sĩ tích cực, trách nhiệm trong tiểu đội.

Qua đây, tôi thấy rằng, để giúp các chiến sĩ hòa nhập và cởi mở hơn, đội ngũ cán bộ các cấp cần chủ động tìm hiểu, nắm chắc chất lượng chính trị và tôn trọng sự khác biệt văn hóa vùng, miền; tạo môi trường giao tiếp thân thiện, thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể và giao lưu nhằm xóa dần sự khác biệt, tạo cơ hội cho các chiến sĩ hiểu nhau hơn.

Trung sĩ PHẠM VĂN TRI

(Tiểu đội trưởng Tiểu đội Đại liên, Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân khu 4)

---------

Chia sẻ để vơi những buồn phiền

Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Năm 2024, tôi quyết định viết đơn tình nguyện nhập ngũ để được rèn luyện, học tập và trưởng thành hơn trong môi trường quân ngũ. So với đồng đội trong đơn vị, hoàn cảnh gia đình tôi không được đủ đầy vì cha mẹ ly hôn khi tôi 12 tuổi. Khi tôi có ý định đăng ký nghĩa vụ quân sự, cha tôi đã ủng hộ, động viên tôi lên đường tòng quân, cố gắng rèn luyện bản thân nên người để khi xuất ngũ có điều kiện học nghề, tìm việc làm kiếm thêm thu nhập lo cho tương lai.

Tiểu đoàn 306, Trung đoàn 3, Sư đoàn 330, Quân khu 9 tổ chức cho bộ đội thi đấu bóng đá. Ảnh: VĂN SƠN

Tiểu đoàn 306, Trung đoàn 3, Sư đoàn 330, Quân khu 9 tổ chức cho bộ đội thi đấu bóng đá. Ảnh: VĂN SƠN

Sau khi tôi nhập ngũ được khoảng 2 tháng thì căn bệnh tiểu đường của cha chuyển biến nặng và không qua khỏi. Thời điểm đó, tôi cảm thấy rất đau buồn. Chính sự động viên, an ủi của cán bộ, chỉ huy đơn vị và đồng đội giúp tôi dần vượt qua nỗi đau đó. Tôi tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ lòng mong mỏi của cha. Khi nỗi đau dần nguôi ngoai và quen với môi trường mới, quen đồng chí, đồng đội, các anh chỉ huy, qua các buổi sinh hoạt đơn vị, văn hóa-văn nghệ và hoạt động phong trào, tôi hòa mình với đơn vị, cảm thấy không còn ngại khi bày tỏ tình cảm, tâm tư của mình. Tôi cảm thấy rất vui vì đồng chí, đồng đội trong đơn vị luôn lắng nghe những chia sẻ của tôi. Sau khi chia sẻ với mọi người, tôi cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm hơn, vơi bớt buồn phiền, cuộc sống dần trở nên thoải mái và vui vẻ hơn.

Binh nhì PHẠM NHẬT KHANG

(Chiến sĩ Trung đội 9, Đại đội 11, Tiểu đoàn 308, Trung đoàn 3, Sư đoàn 330, Quân khu 9)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chia-khoa-giup-bo-doi-mo-long-789110